Tòa vẫn kết án cựu chiến binh

Trước đó, trong phần tranh luận, các luật sư (LS) cho rằng chứng cứ buộc tội các bị cáo trong vụ án còn yếu và có nhiều mâu thuẫn, nếu cấp phúc thẩm đến hiện trường vụ án thì có cái nhìn rõ nét hơn.

VKS: Chúng tôi không có trách nhiệm đến hiện trường

Bên cạnh đó, các LS cho rằng VKS không thể căn cứ vào cuốn sổ ghi chấm công mà các bị cáo thống nhất đi dọn dẹp rừng để kết tội họ được. Từ đó, các LS tha thiết mong HĐXX có phán quyết công tâm, đúng người, đúng tội.

LS Nguyễn Thanh Huy (Đoàn LS tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh: “Tòa phúc thẩm phải mạnh dạn xem xét bản án của cấp sơ thẩm. Tòa cần kiến nghị CQĐT làm rõ trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ đẩy người không phạm tội thành có tội”.

Đối đáp, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông nói: “VKS và HĐXX chỉ xem xét hồ sơ của cấp sơ thẩm chứ không có trách nhiệm đến hiện trường. Việc các LS tới hiện trường đó là chuyện của các LS. Vị trí hiện trường này đều do các bị cáo dẫn đi, được các cơ quan chức năng ghi nhận. Còn việc các LS tới tận nơi nhận định xung quanh rừng có những trụ tiêu, cây cà phê 6-8 năm trước đó là chuyện các LS suy luận”.

Trước đó, các nhân chứng có mặt tại tòa khẳng định xung quanh nơi các bị cáo dọn dẹp thì người dân đã trồng rẫy, cà phê, tiêu cách đây khoảng 10 năm rồi, không còn rừng nữa.

Các cựu chiến binh nghe tòa phúc thẩm tuyên án. Ảnh: N.NGA

Tòa: Có tội

HĐXX phúc thẩm nhận định dù tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần đầu, các bị cáo đã thay đổi lời khai so với giai đoạn điều tra nhưng trong hồ sơ vẫn có căn cứ để kết luận các bị cáo phạm tội hủy hoại rừng.

Sẽ kêu oan tới cùng

Bảy CCB bị khởi tố thì có năm người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Một CCB qua đời trước phiên xử sơ thẩm lần hai, hai CCB có sức khỏe yếu phải đi cấp cứu khi đang ở trại tạm giam.

Trước phiên phúc thẩm lần hai, chúng tôi ghé thăm nhà anh Đoàn Xuân Trường (bị cáo đã qua đời). Trong căn nhà gỗ nằm sâu trong rẫy, khói nhang nghi ngút trên bàn thờ anh Trường. Trên khuôn mặt khắc khổ của chị Nhung (vợ anh Trường), thỉnh thoảng mắt chị lại ướt nhòe. Chị bảo dù chồng đã qua đời nhưng chị vẫn đến dự phiên tòa phúc thẩm để tìm cách minh oan cho chồng.

Có mặt tại phiên tòa, bà Lương Thị Luận (vợ bị cáo Hoàng Văn Sằn) thở dài: “Mấy đêm nay tôi không ngủ được. Con cái đứa nào cũng buồn chán, thằng út học lớp 10 đòi nghỉ để đến tòa thăm bố nhưng tôi không cho. Học xong nó tranh thủ ghé và bảo thấy bố gầy hơn và tóc bạc đi nhiều. Cô giáo động viên đi thi học sinh giỏi môn địa lý nhưng cháu nó bảo chẳng còn tâm trí để đi thi” - bà Luận ngậm ngùi.

Tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, chị Nhung, bà Luận và người nhà các CCB khác cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại kêu oan đến cùng.

Cụ thể, theo HĐXX, trong hồ sơ các bị cáo đã khai nhận diện tích rừng mà mình khai phá. Cũng theo HĐXX, trước khi các bị cáo phá rừng thì rừng tương đối rậm rạp, sau khi bị phá thì rừng bị chặt nham nhở. Tuy trong giai đoạn điều tra đã có một số thiếu sót nhất định nhưng không ảnh hưởng đến nội dung vụ án.

Từ đó, HĐXX đã bác các kháng cáo kêu oan của sáu cựu chiến binh (CCB) và y án sơ thẩm.

Sau phiên tòa, gia đình các CCB cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn kêu oan, khiếu nại giám đốc thẩm đến VKSND Cấp cao tại TP.HCM, TAND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND Tối cao và TAND Tối cao.

Theo hồ sơ, tại cuộc họp tháng 1-2015, cho rằng rừng (loại rừng sản xuất) đã bị lấn chiếm nên Chi hội CCB thôn 6 (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) thống nhất phát dọn rừng lấy đất trồng cây keo gây quỹ. Trong hai ngày tháng 1-2015, bảy CCB của chi hội đã chặt cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha; trong hai ngày tháng 4-2015 họ phát dọn tiếp 0,38 ha.

Vì hành vi trên, các CCB bị khởi tố, truy tố về tội hủy hoại rừng. Các cơ quan tố tụng thị xã Gia Nghĩa xác định họ gây thiệt hại hơn 42 triệu đồng. Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt họ 6-7 tháng tù. Các bị cáo kháng cáo kêu oan, cho rằng thời điểm họ dọn dẹp thì rừng đã không còn.

Tại phiên phúc thẩm lần đầu của TAND tỉnh Đắk Nông, đại diện VKS tỉnh đề nghị hủy án sơ thẩm. Theo đại diện VKS, từ tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) đã thiệt hại 100%. Vì vậy, việc cấp sơ thẩm tính cả 0,38 ha mà các bị cáo dọn dẹp hồi tháng 4-2015 vào diện tích rừng bị hủy hoại là không phù hợp... Đồng tình, tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm.

Tháng 9-2017, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần hai vẫn kết luận bảy bị cáo hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt mức án như cũ.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về vụ án, nhiều chuyên gia pháp luật đã phân tích rằng theo quy định hiện hành thì không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính các CCB.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm