Tòa yêu cầu xem lại việc từ chối công nhận liệt sĩ

TAND tỉnh Bến Tre vừa xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Siêng (sinh năm 1939, ngụ xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) và người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh này.

Công văn từ chối công nhận liệt sĩ

HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Siêng, tuyên hủy Công văn 2803 ngày 7-6-2019 của chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.

Bà Nguyễn Thị Siêng trình bày. Ảnh: THU GIANG

Theo hồ sơ, ngày 17-7-1996, bà Siêng làm đơn đề nghị công nhận liệt sĩ cho con gái của bà là chị Lê Thị Chiến (sinh năm 1961). Theo bà Siêng, năm 1974, chị Chiến khi đó mới 13 tuổi, đi làm giao liên công khai phục vụ cánh B của lộ 30 ra sông Cổ Chiên và các phân đội trinh sát chốt trên địa bàn khu phố thị trấn Mỏ Cày.

Ngày 21-12-1974, sau khi đi công tác xong, chị Chiến có xin phép về nhà chơi. Trong đêm đó, chị Chiến cùng hai người em đi xuống ghe đóng đáy thì không may bị chìm ghe và mất.

Bà Siêng có đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu công nhận liệt sĩ cho chị Chiến. Tuy nhiên, các cơ quan đều trả lời trường hợp của chị Chiến là đi đóng đáy (một cách đánh bắt tôm cá ở miền Tây - NV) bị chìm ghe mất, không đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ.

Bà Siêng gửi đơn đến UBND tỉnh Bến Tre thì cơ quan này ban hành công văn trả lời trường hợp của chị Chiến không đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ.

Bà khiếu nại thì chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ban hành Công văn 2803 thay thế công văn cũ xác định chị Chiến mất là do đi đóng đáy và chìm ghe nên không đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ.

Tháng 12-2019, bà Siêng khởi kiện, yêu cầu tòa hủy Công văn 2803 của chủ tịch UBND tỉnh và yêu cầu UBND tỉnh công nhận liệt sĩ cho con gái bà.

Tại tòa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Công văn 2803 xác định chị Chiến là người đưa thư cho Công an huyện Mỏ Cày. Ngày 21-12-1974, sau khi đưa thư xong, chị Chiến xin phép về nhà chơi. Sau đó, chị Chiến cùng hai người em đi đóng đáy và bị gãy sào đáy đè chìm ghe nên tử vong.

Có mất khi làm nhiệm vụ không?

HĐXX nhận định theo xác nhận của những người trong ban lãnh đạo Công an huyện Mỏ Cày (cũ) thì ngoài việc phân công chị Chiến đi đưa thư, ban lãnh đạo còn kêu chị về nhà xin tép cho đơn vị để cải thiện đời sống. Tuy nhiên, về vấn đề này, UBND tỉnh Bến Tre chưa tiến hành xác minh, làm rõ chị Chiến có được lệnh về lấy tép phục vụ cho đơn vị hay không.

Ngoài ra, theo xác nhận của người vớt xác chị Chiến, ngày 21-12-1974, ngoài xác của chị còn xác hai người em khoảng 10 và 11 tuổi. Như vậy, sau khi đi giao thư xong, chị Chiến quay về nhà đi đóng đáy để kiếm cá, tép phục vụ cho đơn vị. Cả hai vấn đề trên đều không được phía người bị kiện làm rõ.

Phía cơ quan chức năng cũng chưa xác minh việc làm thất lạc giấy báo tử của chị Chiến và lý do vì sao UBND xã lại có xác định giấy báo tử là không đúng sự thật.

Từ đó, tòa tuyên hủy Công văn 2803 của chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre để cơ quan này xác minh, làm rõ, giải quyết đơn của bà Siêng. Do công văn trên bị hủy nên yêu cầu khởi kiện của bà Siêng là đề xuất công nhận liệt sĩ cho chị Chiến không được chấp nhận.

 

Mong ước cuối đời của bà mẹ 81 tuổi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên tòa, bà Nguyễn Thị Siêng (81 tuổi) cho biết bà hài lòng với kết quả phiên tòa. Bà hy vọng quá trình giải quyết lại hồ sơ, cơ quan chức năng sẽ thu thập đầy đủ chứng cứ để công nhận liệt sĩ cho con gái bà.

Bà Siêng kể việc mình gửi đơn, hồ sơ yêu cầu công nhận liệt sĩ cho con gái đã hơn 10 năm nay. Quá trình ấy bà có gặp lại trưởng, phó trưởng Công an huyện Mỏ Cày thời đó và họ cũng động viên bà làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho chị Chiến.

Bà Siêng kể: “Lúc đó con Chiến mới 13 tuổi. Tôi thì đang mang thai đứa em Chiến được mấy tháng. Con Chiến nói với tôi là “Mẹ cứ cho con đi giúp mấy chú, có chết cũng thành danh mà””.

Đó là câu nói cuối cùng của con gái mà mỗi khi nhớ lại là nước mắt bà ứa ra. Chỉ sau này những lãnh đạo của chị Chiến đến cho biết là chị Chiến đi đóng đáy để kiếm thêm cá, tép phục vụ cho đơn vị thì bà mới vững tin làm hồ sơ gửi đi. Tòa cũng xác minh từ những người lãnh đạo cũ trong đơn vị chị Chiến và họ cũng trình bày như đã nói với bà.

Vừa nói, nước mắt bà Siêng lại ứa ra. Bà bảo bà còn sống không bao lâu nữa nhưng trước khi nhắm mắt, bà hy vọng con gái được công nhận là liệt sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm