TPL giúp gì cho dân? - Bài 2: Giúp tòa, cơ quan THA bớt quá tải

Ngoài chuyện lập vi bằng, thừa phát lại (TPL) còn thực hiện việc tống đạt văn bản, giấy tờ của tòa án và cơ quan thi hành án (THA) dân sự. Đó là các giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định của tòa; quyết định THA, giấy báo, giấy triệu tập… của cơ quan THA.

Số lượng văn bản tống đạt tăng từng năm

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, đến nay 11 văn phòng TPL ở TP.HCM đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với tất cả 25 tòa án (TAND TP cùng 24 TAND quận, huyện) và 25 cơ quan THA (Cục THA dân sự TP cùng 24 chi cục THA quận, huyện). Các văn phòng TPL đã tống đạt được 501.156 văn bản (tổng chi phí tống đạt gần 35 tỉ đồng), trong đó tống đạt 378.525 văn bản của tòa (chi phí tống đạt gần 27,5 tỉ đồng), 122.631 văn bản của cơ quan THA (chi phí tống đạt gần 7,3 tỉ đồng).

Từ năm 2011 đến nay, TPL tống đạt tăng trung bình gần 20.000 vụ việc/năm. Đặc biệt trong năm 2014, việc tống đạt tăng hơn 88.000 vụ việc so với năm 2013. Và chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 2015, các văn phòng TPL đã thực hiện được 100.731 vụ việc tống đạt, gấp đôi so với thời kỳ đầu (năm 2011). Doanh thu từ tống đạt cũng tăng rõ rệt theo từng năm, từ mức gần 3 tỉ đồng năm 2011 lên gần 12 tỉ đồng năm 2014 và gần 9 tỉ đồng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2015.

Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM cho biết để ổn định hoạt động tống đạt văn bản của TPL, Sở Tư pháp đã phối hợp với TAND TP, Cục THA dân sự TP thống nhất phương án phân chia địa hạt cho các văn phòng TPL. Hiện hai ngành tòa án, THA TP cũng đã có văn bản chỉ đạo các tòa quận, huyện và các chi cục THA quận, huyện thực hiện.

TPL Đỗ Phi Thường (Văn phòng TPL quận Gò Vấp, TP.HCM, trái) đang tống đạt giấy tờ cho người dân. Ảnh: T.TÙNG

Khó vẫn làm được

Có trực tiếp tìm hiểu mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và nỗ lực của TPL để hoàn thành việc tống đạt.

Để đảm bảo tống đạt đúng thời hạn (ba ngày với văn bản của tòa, hai ngày với văn bản của cơ quan THA), các văn phòng TPL phải nỗ lực rất nhiều vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng như không tìm được địa chỉ của đương sự, đương sự không hợp tác...

Một thư ký nghiệp vụ Văn phòng TPL quận Bình Thạnh kể hôm ấy anh tìm đến nhà đương sự để tống đạt giấy triệu tập của tòa thì chỉ thấy một người đàn ông lườm lườm nhìn, gằn giọng: “Tao bị HIV giai đoạn cuối nên con vợ tao mới đâm đơn ly hôn. Giờ tao không ký nhận gì hết. Mày muốn gì?”. Anh biết ngay đây là “ca khó”, nếu căng thẳng với đương sự thì rất khó thực hiện nhiệm vụ nên nhã nhặn rút lui, rồi đến công an phường nhờ hỗ trợ. Cuối cùng, khi có một cán bộ công an đi cùng, anh mới niêm yết được giấy triệu tập tại nơi ở của đương sự.

Thư ký nghiệp vụ Trần Thị Hậu (Văn phòng TPL quận Tân Bình) cũng kể mới đây chị đi tống đạt văn bản của tòa cho một cặp vợ chồng đang xin ly hôn. Chị giao văn bản thì cả hai vợ chồng đều cương quyết không nhận với lý do không biết TPL là ai. Giải thích, thuyết phục mãi không được, chị Hậu phải tìm đến nhà tổ trưởng tổ dân phố nhờ xác nhận có chứng kiến TPL đã đến tận nơi (để làm cơ sở niêm yết văn bản). Khổ nỗi tổ trưởng bận đi làm trong khi thời gian tống đạt chỉ còn hai ngày. Chị Hậu phải xin số điện thoại liên hệ, qua vài lần như vậy mới gặp được tổ trưởng. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng chị cũng hoàn thành công việc đúng thời hạn.

Khi tống đạt, TPL rất cần sự hỗ trợ từ cán bộ tư pháp, cảnh sát khu vực ở xã, phường, dù không phải lúc nào cũng được đáp ứng nhưng nhân viên TPL vẫn kiên trì bám trụ. Chẳng hạn hồi tháng 5-2015, thư ký nghiệp vụ Đặng Ngọc Huy (Văn phòng TPL quận Gò Vấp) đến UBND một phường ở quận 6 để tống đạt giấy triệu tập của tòa. Anh tìm cán bộ tư pháp phường nhờ hỗ trợ thì vị này cự: “Anh phải báo trước để sắp lịch chứ tôi đâu có rảnh. Anh đừng năn nỉ nữa, quy chế cơ quan vậy rồi, tôi không giúp ngay được”. Nói xong, vị cán bộ phường hẹn ngày làm việc. Khi anh Huy quay lại đúng hẹn thì cán bộ này lại bận. Nhưng anh không nản, cứ tiếp tục ghé, cuối cùng cũng được hỗ trợ.

Bớt việc cho tòa, cơ quan THA

Dù vẫn còn đó không ít khó khăn nhưng không thể phủ nhận lợi ích từ hoạt động tống đạt văn bản, giấy tờ mà TPL mang lại.

Tại phiên họp HĐND TP.HCM ngày 30-7-2015, bà Ung Thị Xuân Hương (Chánh án TAND TP.HCM) đã khẳng định nhờ TPL tống đạt văn bản tố tụng mà tòa giảm tải được rất nhiều áp lực để cán bộ tòa có thời gian đi xác minh, giải quyết hồ sơ, vụ việc.

Ông Phạm Minh Triều (Chánh án TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận xét: Chế định TPL là một chủ trương xã hội hóa công tác THA dân sự đúng đắn, đến nay đã gặt hái được nhiều thành công. Riêng tại quận Bình Thạnh, tòa và TPL đang phối hợp rất tốt, số lượng vụ việc tống đạt năm sau luôn cao hơn năm trước, việc tống đạt đảm bảo tính chính xác, đúng thời hạn.

Một đại diện Cục THA dân sự TP.HCM cũng đánh giá các văn phòng TPL thực sự giúp nhiều cho cơ quan THA. Hoạt động tống đạt văn bản đã dần đi vào nề nếp với chất lượng công việc và thời gian tống đạt luôn bảo đảm.

Theo Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh Lê Mạnh Hùng, hoạt động tống đạt văn bản của TPL đang đi vào chiều sâu. Để việc tống đạt hiệu quả hơn nữa, ông Hùng đề xuất đơn giản hóa một số thủ tục. Chẳng hạn hiện nay một biên bản nếu phải tống đạt thông qua người thứ ba phải cần đến năm chữ ký, hai con dấu; nếu niêm yết phải có sáu chữ ký, hai con dấu; còn nếu phải xác minh nơi cư trú của đương sự trước khi niêm yết phải có đến tám chữ ký, ba con dấu mới được xem là hợp lệ.

Người dân, doanh nghiệp cũng nhờ tống đạt

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, hiệu quả từ hoạt động tống đạt văn bản, giấy tờ của TPL đã tác động tích cực đến nhận thức của xã hội. Đến nay đã xuất hiện thêm nhu cầu từ phía người dân, doanh nghiệp, thậm chí từ các cơ quan hành chính trong việc tống đạt văn bản, thông báo mang tính chất dân sự (thông báo đòi tiền, đơn phương chấm dứt hợp đồng…) hoặc mang tính chất hành chính (thông báo thu hồi đất, đền bù giải tỏa…). Các tổ chức trọng tài thương mại cũng có nhu cầu nhờ TPL tống đạt các thông báo, quyết định của mình. Tuy nhiên, các văn phòng TPL không có cơ sở pháp lý để thực hiện những yêu cầu này dưới hình thức tống đạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm