Tranh cãi căng về 4.500 tỉ trong đại án ngân hàng

Ngày 29-1, phiên xử Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục phần đối đáp giữa bên buộc và gỡ tội. Luật sư (LS) bào chữa cho ông Danh nói VKS chưa đối đáp rõ về khoản tiền 4.500 tỉ ông Danh dùng tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng bị từ chối.

4.500 tỉ là mấu chốt của đại án?

Trước đó, các LS bào chữa cho bị cáo Danh đề nghị cấn trừ số tiền 4.500 tỉ đồng vào thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng của vụ án. Nhưng đại diện VKS đối đáp cho rằng tại tòa đại diện CB, tức Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (nơi kế thừa quyền, nghĩa vụ của VNCB sau khi được Nhà nước mua lại 0 đồng) xác định số tiền này đã hòa vào dòng tiền của ngân hàng, không thể bóc tách.

VKS xác định số tiền hơn 6.000 tỉ đồng ông Danh mang sang gửi tại Sacombank, BIDV, TPBank để đảm bảo cho 29 lượt vay của các công ty mới là vật chứng vụ án. Do đó, cần thu hồi để khắc phục hậu quả. Còn 4.500 tỉ đồng đã hòa vào dòng tiền chung thì đây là quan hệ giữa ông Danh và CB. VKS đề nghị HĐXX dành cho bị cáo Danh quyền được khởi kiện VNCB (nay là CB) bằng một vụ án dân sự để đòi lại.

Không đồng tình, LS nói nếu không xem xét khoản tiền tăng vốn cho ông Danh thì một loạt vấn đề khúc mắc trong vụ án sẽ không thể được làm rõ. Vì sẽ không biết ai là người bị thiệt hại trong vụ án này. Việc làm rõ khoản tiền này là trách nhiệm của cơ quan CSĐT, HĐXX… Bởi bây giờ bị cáo Danh đã rất khó khởi kiện VNCB để đòi tiền trả lại Nhà nước.

Các luật sư rời phiên xử trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: QUỐC VŨ

Theo LS, diễn biến phiên tòa thì CB và Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghe được các bị cáo, các LS nói về khoản tiền này. Nếu hai đơn vị không trả khoản tiền này cả gốc lẫn lãi thì sẽ không thể giải thích được, trong khi bị cáo Danh mong muốn cấn trừ khoản tiền này vào tổng thiệt hại của vụ án. “Khoản tiền 4.500 tỉ hiện ở đâu là một nút thắt quan trọng của vụ án và cơ quan tố tụng cần làm rõ. Nếu không xem xét và để xảy ra nghịch lý thì sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc đến sự thật khách quan của vụ án” - LS nhấn mạnh.

Từ đó, LS mong Ngân hàng Nhà nước công khai các bút toán điều chỉnh báo cáo tài chính của CB trước và sau kiểm toán sẽ làm sáng tỏ khoản tiền tăng vốn điều lệ. Từ đó HĐXX sẽ xem xét để giải quyết được toàn diện vấn đề liên quan đến 4.500 tỉ đồng.

Ai sử dụng, có quy hồi không?

“Cần làm rõ số tiền này ở đâu, ai sử dụng, thời gian sử dụng thế nào. Quan điểm của Ngân hàng CB về khoản tiền này chung chung, chỉ nói là đã sử dụng hết thì không rõ ràng” - LS nói.

LS phân tích ngân hàng có hệ thống hạch toán kế toán thì phải biết tiền này đang ở đâu vì chưa bao giờ nó thuộc về VNCB do chưa được tăng vốn điều lệ. Cạnh đó, nếu coi hơn 6.000 tỉ đồng ba ngân hàng phải hoàn trả CB là vật chứng vụ án thì khoản 4.500 tỉ đồng tăng vốn cũng phải được coi là vật chứng vụ án.

LS bảo vệ cho Ngân hàng BIDV cũng đề nghị HĐXX xem xét về khoản tiền 4.500 tỉ đồng này. Theo LS, việc quy hồi tiền từ BIDV nói riêng và ba ngân hàng nói chung là không phù hợp, gây đảo lộn nhiều thứ. Đối đáp bổ sung, vị LS này cho rằng HĐXX cần xem khoản tiền này để giảm thiệt hại từ vụ án cho các bị cáo. Việc cho vay không phải cho ông Danh hay bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) vay mà là dựa trên cơ sở nghị quyết HĐQT của VNCB về việc cấp bảo đảm bằng tiền gửi của VNCB cho các công ty. Chính vì thế, sai sót là ở khâu VNCB ra quyết định. Việc BIDV cho vay phù hợp với pháp luật, nếu muốn quy hồi tiền thì VKS cần chỉ rõ BIDV vi phạm gì.

LS nhấn mạnh VKS cho rằng các ngân hàng sẽ phải quy hồi tiền để trả cho VNCB (nay là CB) và Danh cùng Tập đoàn Thiên Thanh phải có trách nhiệm trả nợ cho các ngân hàng là điều bất khả thi. Việc làm này gây khó cho các ngân hàng nên mong HĐXX có phán quyết đúng đắn để giúp các ngân hàng kinh doanh ổn định.

Luật sư băn khoăn về báo cáo kiểm toán

LS bào chữa cho ông Danh băn khoăn về vai trò kiểm toán độc lập trong báo cáo tài chính của Ngân hàng CB. Bởi đáng lý kiểm toán phải thực hiện đúng vai trò độc lập của mình nhưng bây giờ Ngân hàng CB lại chờ kết quả của vụ án mới có phương án xử lý.

LS phân tích bút toán số 31 liên quan đến khoản tiền 4.500 tỉ đồng cho thấy ban đầu Ngân hàng CB đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước, ban kiểm soát đặc biệt hướng dẫn để CB thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Lý do đưa ra là Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận cho VNCB tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỉ lên 7.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó CB cho rằng liên quan đến vụ án đang được xét xử nên CB sẽ hạch toán khoản 4.500 tỉ đồng khi có kết luận của cơ quan điều tra.

Theo LS, kiểm toán căn cứ trong các quy định của chính sách kế toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán và luật pháp khác đã đề nghị chỉnh một số nghiệp vụ để báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2014 của CB phản ánh trung thực và hợp lý. Việc xin hướng dẫn và thực hiện công văn hướng dẫn là không đúng vì theo quy định của pháp luật thì việc điều chỉnh bút toán báo cáo kiểm toán cần thực hiện đúng các chính sách kế toán. Khi kiểm toán viên đề nghị điều chỉnh là có lý do và có đề xuất cụ thể là điều chỉnh bằng những bút toán cụ thể và đúng ra là phải theo nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập phải điều chỉnh các bút toán khi phát hiện sai sót. Vì vậy liệu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 của CB thực hiện có trung thực và hợp lý không...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm