Tranh cãi pháp lý trước phiên xử vụ ‘Chai nước có ruồi giá 500 triệu’

Tranh cãi pháp lý trước phiên xử vụ ‘Chai nước có ruồi giá 500 triệu’ ảnh 1
 TAND Tỉnh Tiền Giang - nơi diễn ra phiên xử 

Sự kiện hi hữu

Võ Văn Minh làm nghề bán quán cơm tại huyện Cái Bè (Tiền Giang). Cuối tháng 12-2014, lúc đem chai nước ngọt hiệu Number One (của Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát) bán cho khách, Minh phát hiện bên trong chai có con ruồi nên đã cất đi rồi gọi điện thoại báo công ty này.

Ban đầu Minh yêu cầu công ty phải đưa cho mình 1 tỉ đồng để đổi lấy sự im lặng, nếu không sẽ phát tờ rơi, cung cấp thông tin cho báo chí đăng.

Sau ba lần thương lượng, công ty đã đồng ý đưa Minh số tiền là 500 triệu đồng, đồng thời trình báo vụ việc cho công an.

Vào lúc 15 giờ 30 ngày 27-1, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt quả tang Minh đang nhận 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê.

Ngày 5-2 công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Ngày 2-6, công an đã ký quyết định tạm giam thêm bốn tháng đối với bị can Minh để điều tra mở rộng.

Ngày 7-2, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã có kết luận giám định chai nước Number One có ruồi do Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang trưng cầu: “Phát hiện thấy dấu vết biến dạng nắp chai nước nhãn hiệu Number One gửi giám định, dấu vết có chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài hình thành do công cụ sắc nhọn tạo ra. Mực nước trong chai gửi giám định thấp hơn mực nước trong chai gửi làm mẫu so sánh. Các dị vật bên trong chai nước nêu trên là các bộ phận cá thể ruồi”.

Ngày 13-10 VKSND tỉnh Tiền Giang hoàn tất và tống đạt cáo trạng truy tố Minh về tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 135 BLHS (có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù).

Tranh cãi pháp lý trước phiên xử vụ ‘Chai nước có ruồi giá 500 triệu’ ảnh 2

Võ Văn Minh khi bị bắt quả tang

Tranh cãi pháp lý

Trong thời gian Võ Văn Minh bị bắt, khởi tố và truy tố, trên báo chí đã xuất hiện hai luồng quan điểm về vụ việc này.

Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng đây chỉ là thỏa thuận dân sự giữa hai bên nên chưa đủ cơ sở để khởi tố Minh. Vì nếu Minh cố tình bỏ ruồi vào chai nước để tống tiền Tân Hiệp Phát thì mới bị coi là cưỡng đoạt tài sản, còn nếu con ruồi trong chai nước không phải Minh bỏ vào mà đúng là do lỗi của Tân Hiệp Phát thì việc Minh yêu cầu bồi thường là không phạm tội. Tân Hiệp Phát cử người đàm phán với Minh, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng cũng là chuyện thỏa thuận giữa hai bên. Việc đại diện Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho Minh 500 triệu đồng là một thỏa thuận dân sự. Nếu Tân Hiệp Phát báo cho công an bắt Minh thì rõ ràng Tân Hiệp Phát vi phạm thỏa thuận…

Luồng quan điểm thứ hai lại nói hành vi của Minh đã cấu thành tội như đã truy tố.Vì Minh đã dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần buộc người bị hại phải giao tiền. Cụ thể là đã thông báo với Tân Hiệp Phát là nếu không dùng tiền để mua sự im lặng thì anh sẽ tung tin cho báo chí và tìm mọi cách truyền tin cho xã hội biết. Hành vi này rất nguy hiểm cho xã hội bởi nó có thể giết chết một doanh nghiệp, gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho người tiêu dùng, gây điểm nóng trong xã hội… Không nên coi đây là một kiểu thỏa thuận dân sự giữa hai bên vì rõ ràng có sự bất tương xứng giữa nội dung giao dịch và mục đích giao dịch. Phía Tân Hiệp Phát báo công an bắt Minh khi bị anh yêu cầu đưa tiền là một hành động đúng. Về mặt tình cảm, nhãn hiệu nước giải khát trên là sản phẩm Minh đang kinh doanh (bán lẻ) kiếm lời. Nói cách khác anh đang hưởng lợi từ sản phẩm đó nên về góc độ nào đó Minh phải bảo vệ uy tín của doanh nghiệp...

Phiên tòa... “nóng”

Tòa chưa xử nhưng đã có thông tin trong hồ sơ vụ án có một bản án của TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) ngày 17-7-2013 xử NQT ba năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, được đánh số bút lục. Anh T. liên quan đến sự kiện mua phải một chai trà xanh không độ của Công ty Tân Hiệp Phát và phát hiện con gián đã chết bên trong. Anh T. yêu cầu công ty “mua” lại chai nước với giá 50 triệu đồng, nếu không sẽ đưa lên báo, đài và Bộ Y tế và cũng bị bắt quả tang khi nhận tiền.

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ về việc này, bà Nguyễn Thị Ánh (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang) cho biết cơ quan điều tra đã đưa vào hồ sơ vụ án. VKSND tỉnh có thấy nhưng cũng do đây là bút lục hồ sơ vụ án nên viện không thể tự ý bỏ ra mà phải chuyển hết sang tòa...

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử thì chủ tọa là Thẩm phán Võ Trung Hiếu, hai kiểm sát viên là hai ông Võ Hồng Phương và Võ Hải Phương. Có hai luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo Minh, Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát được tòa xác định là nguyên đơn dân sự cũng mời một luật sư bảo vệ cho mình. Có tất cả sáu nhân chứng được tòa triệu tập đến tòa để làm chứng trong vụ án này. Đây là phiên xử được dự đoán sẽ có khá nhiều người đến theo dõi vì dư luận đặc biệt quan tâm...

PLOsẽ tường thuật diễn biến phiên xét xử trong các bản tin sau, mời bạn đọc đón theo dõi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm