Tranh luận mũ bảo hiểm có phải là hung khí nguy hiểm

Ngày 15-8, TAND quận Tân Phú, TP.HCM xử sơ thẩm bị cáo Phạm Phú Quốc Phương (SN 1994, ngụ Đồng Nai) về tội cố ý gây thương tích. Bị cáo bị truy tố theo điểm c khoản 3 Điều 134 BLHS 2015, khung hình phạt 5-10 năm tù.

“Đánh một cái mà thương tích 42%”

Đây là lần thứ ba TAND quận Tân Phú đưa vụ án ra xét xử. Trước đó vụ án được đưa ra xét xử vào ngày 12-3 nhưng tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ngày 21-5, TAND quận Tân Phú đưa ra xét xử lần hai nhưng hoãn theo yêu cầu của phía bị hại. Sau đó, ngày 27-5, TAND quận tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì cho rằng thiếu chứng cứ. Sau khi điều tra bổ sung, VKSND quận giữ nguyên cáo trạng. 

Tại tòa, Phương thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Phương khai dùng mũ bảo hiểm (MBH) quơ ngang trúng ông Nguyễn Văn Lài (người bị hại) chứ không phải đánh. Khi HĐXX hỏi Phương có phân biệt được quơ với đánh hay không thì Phương thừa nhận mình nóng giận nên đánh ông Lài chứ không phải quơ. Phương khai chỉ dùng mũ đánh ông Lài một cái và một phần cũng do xui rủi khiến ông Lài té vào bồn rửa mặt rồi ngã xuống đất nên đề nghị HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Con gái của bị hại thì cho rằng bị cáo khai không đúng sự thật. Vì lúc sự việc diễn ra trước cửa phòng vệ sinh, chị này đang tắm ở trong và nghe tiếng đánh “bốp, bốp” nhiều lần nên không thể đánh một cái. “Đánh một cái mà thương tích 42% là vô lý” - chị này nói. Cạnh đó, chị khai lúc chị mở cửa ra thì thấy cha mình dựa vô tường bất tỉnh chứ không phải nằm dưới sàn như lời bị cáo. Phía gia đình người bị hại đưa ra yêu cầu bồi thường hơn 400 triệu đồng.

Bị cáo Phạm Phú Quốc Phương trao đổi với luật sư bào chữa cho mình trước phiên xử. Ảnh: YC

Đã có hướng dẫn của TAND Tối cao

VKS cho rằng bị cáo Phương đã có hành vi dùng MBH là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bị hại 42% nên đã phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 BLHS 2015. Tuy nhiên, bị cáo thành khẩn khai báo, đã bồi thường một phần thiệt hại là 40 triệu đồng nên đề nghị HĐXX xử phạt 5-6 năm tù.

Tranh luận, luật sư bào chữa cho Phương cho rằng MBH trong vụ án là Nón Sơn, được làm bằng nhựa nên không phải là hung khí nguy hiểm. Luật sư của bị cáo đề nghị cho bị cáo được hưởng mức án dưới khung.

Phản bác, luật sư bảo vệ cho người bị hại cho rằng theo quy định tại điểm 3.1 khoản 3 Nghị quyết 01/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì dùng hung khí nguy hiểm là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm. Trong vụ án này, MBH chính là phương tiện nguy hiểm. Cạnh đó, luật sư cho rằng kết luận giám định thể hiện thương tích của ông Lài là do vật tày tác động mạnh nhiều lần gây ra nhưng trong cáo trạng chỉ ghi thương tích do vật tày tác động nhiều lần gây ra (thiếu chữ “mạnh”), dù vấn đề này luật sư cũng đã đề cập trong phiên tòa trước đó.

Đại diện VKS cũng cho rằng MBH này nặng, cứng, đánh vào vùng đầu rất nguy hiểm và căn cứ vào giải thích của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì đây là hung khí nguy hiểm. 

Kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho rằng vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào sáng 19-8.

Bênh mẹ nên… đánh hàng xóm

Theo cáo trạng, tháng 4-2018, ông Nguyễn Văn Lài đi uống bia về rồi la mắng con gái. Vợ ông thấy vậy có nhờ bà Trương Thị Ngọc Bích (phụ bán trái cây cho nhà ông Lài) vào xem sự việc và hai bên gây gổ. Khi bà Bích cách ông Lài 2 m, nhặt được một miếng ván gỗ ném vào phía chân ông Lài nhưng không trúng. Thấy vậy, ông Lài không chửi nữa mà đi vào trong.

Vì bực tức nên bà Bích gọi điện thoại cho chồng. Chồng bà Bích nói lại với Phương (con trai bà Bích). Phương cùng em trai và Võ Văn Toàn đang ở cạnh qua nhà ông Lài. Đến nơi, bà Bích đi vào trong, Phương đi sau, còn em trai Phương và Toàn đứng ngoài trông xe.

Bà Bích và ông Lài nói qua lại và Phương cầm MBH đánh vào phần mặt ông Lài làm ông này loạng choạng té, đập mặt vào bồn rửa mặt rồi ngã xuống đất bất tỉnh. Sau đó, Phương bế ông Lài lên xe em trai và chở đi cấp cứu.

Theo bản giám định pháp y, ông Lài bị chấn thương đầu mặt 42% và vết thương phần mềm ở ngón cái chân trái 2%. Tuy nhiên, đối với vết thương ở ngón chân trái, quá trình điều tra xác định trong lúc chở ông Lài đi cấp cứu, ông Lài bất tỉnh nên ngón chân cái bị quẹt xuống đường gây ra. Do đó, tỉ lệ tổn thương do hành vi cố ý gây thương tích của Phương gây ra là 42%... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm