Trên 99.000 tỉ đồng nợ tín dụng phải thi hành án

Đó là một trong những nội dung trong dự thảo báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2017 của Bộ Tư pháp tại hội nghị sáng 25-12. Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, điểm cầu chủ trì tại TP Hà Nội.

Trên 99.000 tỉ đồng nợ tín dụng phải thi hành án

Lãnh đạo TP.HCM tại điểm cầu TP.HCM dự hội nghị trực tuyến Bộ Tư pháp. 

Năm 2017, công tác thi hành án dân sự (THADS) với tổng số thụ lý là 882.630 việc (tăng 5,57% so với năm 2016), trong đó, số có điều kiện thi hành là 693.264 việc. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 549.415 việc (đạt tỉ lệ 79,25%), tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016, vượt chỉ tiêu được giao 9,25%. Một số địa phương đạt kết quả cao về việc là Điện Biên (98,08%), Nam Định (90,70%), Đắk Lắk (84,68%), Đồng Tháp (86,92%)...

 

       Biểu đồ kết quả thi hành án dân sự 2014-2017.

Về số tiền THA với tổng số thụ lý là 172.959 tỉ 724 triệu 927 ngàn đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 92.000 tỉ 198 triệu 484 ngàn đồng. Trong số có điều kiện thi hành đã thi hành xong 35.242 tỉ 612 triệu 983 ngàn đồng, đạt tỉ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỉ 747 triệu 665 ngàn đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016, vượt chỉ tiêu được giao 8,31%. Một số địa phương đạt kết quả cao về tiền là Điện Biên (85,24%), Khánh Hòa (66,52%), Nam Định (62,91%), Quảng Nam (61,68%), Tiền Giang (42,09%)...

Trong công tác THA hành chính, năm 2017 có 361 bản án, quyết định có nội dung theo dõi. Theo đó, đã thi hành xong 276 việc, còn 85 việc chưa thi hành xong (trong đó số bản án, quyết định chưa thi hành xong mà người phải THA là UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là 50 vụ việc).

Các cơ quan THADS đã ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện THA đối với 297 việc, 64 vụ việc còn lại không thuộc diện phải ra văn bản thông báo do tòa án đã có quyết định buộc THA; đăng tải quyết định buộc THA hành chính trên cổng, trang thông tin điện tử THADS đối với 40 trường hợp; có văn bản kiến nghị xem xét đối với 14 trường hợp có nghĩa vụ chấp hành án.

Bộ Tư pháp và các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc THA trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc THA liên quan đến tín dụng ngân hàng. Thực hiện Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện nghiêm túc các quy định về THADS liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Trong đó, án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng có số tiền phải thi hành rất lớn (trên 99.000 tỉ đồng, chiếm 60,74% tổng số tiền phải thi hành của toàn hệ thống) nhưng kết quả thi hành chỉ đạt 27,89% nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả THA xong về giá trị trên toàn quốc. Điều kiện THA trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải THA lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để THA. Ví dụ như trường hợp Phạm Thanh Bình, chủ tịch Tập đoàn Vinashin, phải THA hơn 600 tỉ đồng nhưng tài sản bảo đảm THA chỉ có... 5 tỉ đồng.

Trong nhiều vụ việc, công tác xác minh điều kiện THA theo định kỳ đối với hồ sơ án chưa có điều kiện còn chậm; một số trường hợp kê biên, xử lý tài sản chưa kịp thời. Kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật của một số cơ quan nhà nước còn chưa nghiêm, còn nhiều trường hợp tòa án phải ra quyết định buộc THA. 

Năm 2017, số công chức bị xử lý kỷ luật do vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ THA tuy đã giảm so với năm 2016 (giảm bảy trường hợp) nhưng vẫn còn khá nhiều (29 trường hợp).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm