Trên chỉ đạo, dưới không làm

Ông Châu Thành Chiến (64 tuổi, cán bộ hưu trí xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang) kể năm 1994 cha mẹ ông mất, không để lại di chúc nên anh chị em ông kiện yêu cầu chia thừa kế. Năm 1997 TAND tỉnh Tiền Giang tuyên xử ông Châu Văn Bình (em út ông) được nhận đất nhưng phải có nghĩa vụ chia cho bốn đồng thừa kế khác (trong đó có ông Chiến) khoảng 70 triệu đồng.

Trên bảo, dưới không chịu làm

Sau khi án có hiệu lực pháp luật, ông Chiến gửi đơn yêu cầu thi hành án (THA). Năm 1998 Đội THADS huyện Cái Bè mới thi hành được hơn 15 triệu đồng. Đến năm 2006 chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế kê biên một căn nhà và diện tích đất hơn 14.000 m2. Sau đó, ông Bình tự nguyện giao 1.600 m2 đất ruộng để THA nhưng ông Chiến không đồng ý nhận mà yêu cầu bán đấu giá tài sản.

Năm 2008 Cục THADS tỉnh Tiền Giang hướng dẫn nghiệp vụ yêu cầu Chi cục THADS huyện Cái Bè căn cứ vào Điều 59 Luật THADS 2008: “Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận nhưng tại thời điểm THA, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 Luật THADS”.

Dù vậy, ông Chiến vẫn không nhận được giá trị tài sản tương ứng nên ông tiếp tục khiếu nại. Đến năm 2013 Cục THADS tỉnh Tiền Giang trả lời Chi cục THADS huyện Cái Bè không thực hiện theo hướng dẫn mà thu tiền của ông Bình hơn 55 triệu đồng phần chia thừa kế theo bản án là chưa phù hợp với quy định.

19 năm qua, ông Châu Thành Chiến mỏi mòn chờ Chi cục THADS huyện Cái Bè, Tiền Giang thi hành án. Ảnh: N.NGA

Lại trì hoãn vì VKS không đồng ý

Tháng 7-2016, Chi cục THADS huyện Cái Bè ra thông báo ông Bình phải nộp thêm số tiền tương ứng hơn 5.600 m2 đất tại thời điểm THA. Tính theo văn bản chênh lệch giá của Cục THADS tỉnh Tiền Giang và bảng giá của UBND tỉnh Tiền Giang thì ông Bình còn phải thi hành 282 triệu đồng.

Tháng 10-2016, Chi cục THADS huyện Cái Bè ra quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất của ông Bình nhưng sau đó đơn vị này lại ngừng cưỡng chế.

Trao đổi với PV, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Cái Bè Lê Văn Mong nói: “Vụ này đã trải qua nhiều đời chấp hành viên và chi cục trưởng, để vụ việc kéo dài cũng một phần là do chấp hành viên có sai sót không biết phải thi hành ra sao, một phần là do thời điểm trước năm 2004 không được phép kê biên quyền sử dụng đất mà ông Bình thì không hợp tác”.

PV hỏi tại sao nhiều lần Cục THADS tỉnh Tiền Giang chỉ đạo phải thi hành theo Điều 59 Luật THADS nhưng Chi cục không thi hành. Ông Mong nói: “Vừa qua chấp hành viên đã kê biên nhưng VKS lại bảo chúng tôi chưa có mời ông Bình lên làm việc, VKS cũng không đồng ý theo Điều 59 Luật THADS. Trong tháng 12 này chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vụ việc dứt điểm, nếu VKS không đồng ý thì chúng tôi sẽ báo cáo lên Cục để hai bên có sự thống nhất, không để vụ việc kéo dài lâu nữa đâu”.

PV đã liên hệ với VKSND huyện Cái Bè nhưng đơn vị này cho biết quan điểm của VKS đã có trong biên bản làm việc mới đây, đề nghị PV hỏi Chi cục THADS huyện Cái Bè sẽ rõ.

“19 năm qua, tôi đi khiếu nại rất nhiều nơi nhưng Chi cục THADS huyện Cái Bè vẫn không chịu THA cho tôi. Nay tôi đã 64 tuổi rồi, không biết phải chờ đến bao giờ mới xong” - ông Chiến nói.

Cơ quan thi hành án chưa tích cực

Với một bản án có hiệu lực 19 năm mà đến nay vẫn chưa thi hành xong thì chứng tỏ cơ quan THA chưa tích cực, chấp hành viên được giao đã chưa làm tròn trách nhiệm. Tại thời điểm THA, giá trị tài sản tăng lên hoặc giảm xuống thì căn cứ theo đơn yêu cầu của đương sự và Điều 59 Luật THADS, cơ quan THA phải định giá lại tài sản theo Điều 98 luật này để tránh gây thiệt thòi cho đương sự. Tôi thấy Cục THADS tỉnh chỉ đạo như vậy là đúng luật.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm