Triệu tập phụ huynh có con gian lận điểm thi

7 giờ, các phóng viên được vào làm thủ tục đăng ký lấy thẻ tham dự phiên tòa. Phóng viên được bố trí phòng tác nghiệp riêng, theo dõi phiên xử qua tivi.
Từ 7 giờ 15, các nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập đến tòa. 8 giờ 5, HĐXX bước vào phòng xử án. Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vương Thị Thu Hà. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ba ngày, từ ngày 14 đến 16-10.

HĐXX phiên tòa. Ảnh: ĐỨC MINH

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: ĐỨC MINH

Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Phạm Văn Khuông và cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hà Giang Lê Thị Dung bị đưa ra xét xử về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ để trục lợi.

Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Triệu Thị Chính bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Các bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương là trưởng phòng và phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vụ án này, riêng bị cáo Triệu Thị Chính có ba luật sư bào chữa gồm Hoàng Văn Hướng, Đinh Việt Thanh và Hoàng Văn Doãn.

Hồ sơ vụ án được chuyển đến tòa. Ảnh: ĐỨC MINH

Phiên tòa từng được mở hồi giữa tháng 9 vừa qua song phải hoãn do vắng mặt tới 122 nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa này, HĐXX vẫn triệu tập 177 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó phần lớn là phụ huynh có con được nâng điểm. Người làm chứng là các lãnh đạo hoặc nguyên lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang…

Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc thống nhất với Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh ở môn trắc nghiệm. Ông Hoài bị cáo buộc đưa danh sách 93 thí sinh cần được nâng điểm cho Lương. Ngoài nhận danh sách này, ông Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh. Một mình ông Lương thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài. Ảnh: ĐỨC MINH

Bị cáo Vũ Trọng Lương. Ảnh: ĐỨC MINH

 

VKSND tỉnh Hà Giang kết luận bị cáo Lương đã sửa kết quả của 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm cho những thí sinh này.

Bị cáo Phạm Văn Khuông không có mặt trong hội đồng thi nhưng đã nhờ Hoài can thiệp, nâng điểm thi cho con trai mình để được vào học ĐH Y Thái Bình. 

Trong khi đó, do mối quan hệ quen biết, bị cáo Lê Thị Dung đã nhờ và được ông Hoài giúp nâng điểm cho 20 thí sinh.

Bà Triệu Thị Chính là trưởng ban chấm thi cũng đã đưa danh sách 13 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh, xem điểm cho một em. Tuy nhiên, ông Hoài chưa giúp được bà Chính.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh chụp qua màn hình)

 

Cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang cũng nhận định trong quá trình điều tra, cơ quan an ninh điều tra đã áp dụng tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án. 

Cơ quan điều tra cũng đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. 

Ngoài ra lời khai của bị cáo Hoài, Lương cũng không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Cáo trạng cho rằng hành vi phạm tội của các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử. Hành vi không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém tác động đến đạo đức xã hội không còn sự công bằng trong xã hội. 

Tuy nhiên, sau khi vụ án bị phát hiện, Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định trả lại kết quả chính xác cho các thí sinh trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nên không có thí sinh nào bị buộc thôi học tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Cơ quan tố tụng cũng đã đề xuất kỷ luật theo quy định đối với các phụ huynh có con được nâng điểm.

Trong vụ án này, ngoài năm bị cáo còn có một số người liên quan đến vụ án. Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kỷ luật 151 trường hợp liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT 2018

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang phát đi ngày 1-10 cho hay: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập 36 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh này.

Theo đó, các cơ quan liên quan đã xem xét kỷ luật 151 trường hợp. Trong đó, ngoài hai trường hợp ông Trần Quý Đức (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Vũ Văn Sử (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tiến hành kiểm tra việc thi hành kỷ luật Đảng với hai cá nhân này, 149 trường hợp còn lại được tiến hành kiểm tra, xem xét xử lý.

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cũng cho hay có 46 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật (ba trường hợp khai trừ khỏi Đảng, một trường hợp cảnh cáo, 42 trường hợp khiển trách).

Ba trường hợp khai trừ khỏi Đảng là ba trong số năm bị cáo của vụ án này gồm: Lê Thị Dung, Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương.

Một trường hợp bị cảnh cáo là Hoàng Thị Trịnh, cán bộ Phòng PC06, Công an tỉnh Hà Giang. Bà Trịnh đã nhờ người khác tác động nâng điểm cho con, cháu và con của người thân quen; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm.

Có 29 trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm khuyết điểm nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật, phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; một trường hợp được kiểm tra nhưng không có khuyết điểm, vi phạm; 57 trường hợp khác vẫn đang kiểm tra, xem xét; bốn trường hợp đang tạm dừng kiểm tra, xem xét do mắc bệnh hiểm nghèo và chờ kết quả xét xử của tòa; 12 trường hợp là cán bộ, đảng viên không do Đảng bộ tỉnh Hà Giang quản lý nên sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý.

Đáng  chú ý, trong số 29 cán bộ, đảng viên bị yêu cầu rút kinh nghiệm có bà Phạm Thị Hà (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT) là vợ nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm