Tư duy bắt tội doanh nghiệp

Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ gửi đi thông điệp này. Nhưng có vẻ như điều này từ lâu đã không được các cơ quan tố tụng quán triệt một cách thấu đáo. Điển hình là vụ án oan của ông Hồ Thanh Hải, người phải “Xin được tạm giam để minh oan” mà báo Pháp Luật TP.HCM vừa đăng tải.

Ông Hải là một cựu binh, khi rời tay súng đã bắt tay gầy dựng DN chuyên chế biến thủy sản. Quá trình làm ăn, ông ký hợp đồng mua hải sản với một số DN khác dưới dạng “hợp đồng tay ba”, trong đó DN ông Hải là bên mua, bên bán là DN trung gian. Bên bán sẽ đến các cơ sở có nguồn cung để thu mua, ông Hải sẽ nhận hàng trực tiếp từ các nguồn cung này.

Tuy nhiên, CQĐT Công an TP.HCM lại cáo buộc ông Hải mua hải sản của cơ sở, đại lý nhưng ký hợp đồng thông qua công ty bên bán như trên là mua bán khống để có hóa đơn GTGT nhằm xin hoàn thuế (6,8 tỉ đồng) và khấu trừ thuế (18,6 tỉ đồng). Vì vậy, năm 2004, CQĐT đã khởi tố, bắt giam ông Hải về hai tội trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều đáng nói là trước khi khởi tố, CQĐT đã cẩn thận trưng cầu giám định. Hội đồng giám định do Bộ Tài chính thành lập đã khẳng định hành vi của ông Hải không phải là hành vi trốn thuế, không phải lừa đảo.

Với kết quả này, lẽ ra CQĐT sẽ gác hồ sơ lại, ông Hải tiếp tục làm ăn. Tuy nhiên, không hiểu do nghi ngờ kết quả giám định hay tin vào khả năng nhận định/đoán định của mình rằng ông Hải có tội mà CQĐT vẫn ra quyết định khởi tố ông Hải. Chính hành động quyết đoán (nhưng trật chìa) này của CQĐT, cộng với sự đồng lòng phê chuẩn của VKS cùng cấp đã khiến một DN đang làm ăn chân chính phải đứt gánh, gãy đổ.

Và để có cơ sở kết tội ông Hải sau khi khởi tố, CQĐT sau đó đã phải hai lần trưng cầu giám định lại. Tiếc thay cho cơ quan tố tụng, cả hai lần giám định lại sau đó (của hội đồng giám định độc lập khác, do Bộ Tài chính thành lập) đều cho ra kết quả hành vi của ông Hải không trốn thuế, không lừa đảo. Vậy là cơ sở kết tội của cơ quan tố tụng phá sản.

Nếu thật sự cầu thị, lẽ ra lúc này (sau khi có kết luận giám định lần 3 vào năm 2007) cơ quan tố tụng nhanh chóng khắc phục hậu quả bằng cách đình chỉ điều tra, xác định ông Hải bị oan rồi phục hồi quyền lợi cho ông.

Nhưng không, người bị oan cần nhưng cơ quan tố tụng không vội. Mãi đến cuối năm 2009, CQĐT lại có công văn hỏi Bộ Tài chính, Bộ Tài chính trả lời kết quả giám định lần 3 năm 2007 của hội đồng giám định là kết quả chính thức. Vậy thì đình chỉ đi chứ! Không, phải đợi đến năm 2012 mới đình chỉ. Nhưng thay vì đình chỉ xác định ông Hải bị oan, CQĐT lại viện lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn thuế và hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội với tội lừa đảo để đình chỉ. Với căn cứ đình chỉ như vầy, cơ quan tố tụng đã né trách nhiệm bồi thường oan đối với ông Hải.

Giờ thì từ một DN đang ăn nên làm ra, qua gần tám năm vướng vòng tù tội, ông Hải đã gần như trắng tay. Đã vậy, trong mắt cơ quan tố tụng, ông vẫn còn bị coi là kẻ có tội dù đã được đình chỉ.

Quả thật, tôi không thể tìm ra lý do nào để biện minh cho những người làm sai khiến ông Hải phải lâm vào tình trạng khốn đốn như bây giờ. Do hiểu biết hạn chế ư? Thì cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đã giám định rồi, đã chỉ ra đâu là đúng, đâu là sai rồi, tại sao anh không căn cứ vào đó mà hành xử? Do ông Hải thật sự có tội nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được vì khả năng có hạn? Thì luật đã quy định rồi, hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được thì anh phải đình chỉ, minh oan cho người ta!...

Vậy thì do cái gì đây? Hay là do tư duy bắt tội DN của không ít cá nhân có thẩm quyền, từ đó nó chi phối não trạng anh ta khiến anh ta luôn tìm cách chứng minh, khép tội DN cho bằng được?

Một DN phải xin được tạm giam để có cơ hội minh oan, nghe ngậm đắng nuốt cay thế nào. Xem ra nếu còn tồn tại kiểu bắt tội DN thế này thì còn lâu DN nước ta mới đủ sức lớn mạnh để vươn ra biển lớn trong thời hội nhập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm