Từ 'lùm xùm' quán bar Buddha, đặt tên sao cho đúng?

Liên quan đến ổ dịch COVID-19 tại quán bar Buddha (quận 2, TP.HCM), nhiều bạn đọc cho rằng Buddha dùng để chỉ cho Bụt, Đức Phật, bậc thiêng liêng cao cả… trong khi quán ăn bar Buddha lại là địa điểm tập trung ăn chơi.

Theo báo cáo của UBND quận 2 gửi UBND TP.HCM và các sở, ngành về công tác quản lý đối bar Buddha thì hộ kinh doanh quán ăn Thái được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh lần đầu ngày 21-9-2004 và đăng ký lại lần 1 vào ngày 16-9-2005. Ngành nghề kinh doanh là ăn uống. 

Vậy đặt tên quán như vậy có đúng luật?

Trao đổi với PV về vấn đề này, ThS Bùi Thị Hằng Nga (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) nêu quan điểm: Tên doanh nghiệp, hộ kinh doanh là một trong những yếu tố xây dựng nên thương hiệu kinh doanh.

Hiện nay, những vấn đề pháp lý liên quan đến việc đặt tên cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 38, Điều 39) và Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (Điều 73).

Bar Buddha (quận 2) từng bị phạt, buộc phải dỡ bỏ bảng hiệu. Ảnh: TP/PLO

Bà Nga cho biết Buddha được hiểu là Bụt, là Đức Phật, biểu trưng cho một tôn giáo lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam (Phật giáo).

Do đó, nếu sử dụng thuật ngữ Buddha để đặt tên cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giải trí sẽ bị xem là vi phạm khoản 3 Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể đó là vi phạm: Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tuy nhiên, dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, liên quan đến việc đặt tên Buddha cho quán bar nêu trên chúng ta cần phải làm rõ hai vấn đề pháp lý.

Thứ nhất, hiện nay không có một văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể để xác định thế nào là “sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Trước đây có Thông tư 10/2014 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hướng dẫn nhưng thông tư này hiện đã hết hiệu lực.

Điều này dẫn đến hệ quả việc cấp phép hay từ chối cấp phép cho các hồ sơ đăng ký kinh doanh liên quan đến việc đặt tên phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của chủ thể tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Thứ hai, theo thông tin từ báo chí thì phía UBND quận 2 - Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh này thì tên được đăng ký là Bvddha, nếu là Buddha thì quận đã từ chối.

Nếu đúng như vậy thì hành vi của hộ kinh doanh này có thể bị xem là vi phạm pháp luật liên quan biển hiệu kinh doanh và sẽ bị xử phạt, buộc phải gỡ bỏ biển hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định 158/2013 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo). Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm vừa đề cập là từ 10 đến 15 triệu đồng.

Có gây nhầm lẫn với thương hiệu quốc tế?

“Buddha - Bar” là một thương hiệu khá nổi tiếng trên thế giới.  Liệu cách đặt tên của hộ kinh doanh là bar Buddha (quận 2) có gây nhầm lẫn để thu hút khách hàng hay không?

Rõ ràng ở đây không có bằng chứng pháp lý cho thấy hộ kinh doanh đang kinh doanh quán bar Buddha tại quận 2 được cấp phép sử dụng thương hiệu, tên thương mại này từ phía Buddha-Bar.

Do đó, đây có thể xem là hành vi kinh doanh ăn theo, cố tình gây nhầm lẫn nhằm thu hút khách hàng (đa số khách là người nước ngoài, có biết đến thương hiệu nổi tiếng thế giới Buddha-Bar).

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, hành vi này chỉ bị xem là hành vi vi phạm pháp luật nếu tên Buddha-Bar đã được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và các điều ước quốc tế có liên quan.

Nếu chứng minh được rằng tên Buddha-Bar đã được bảo hộ tại Việt Nam thì hành vi của hộ kinh doanh nêu trên sẽ bị xem là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 14 Nghị định 99/2013 (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp). ThS BÙI THỊ HẰNG NGA, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm