Tư pháp quận phải tham mưu xử lý lấn chiếm vỉa hè

Tại cuộc họp này, ngoài các vấn đề về hộ tich, công tác phổ biến giáo dục, trợ giúp pháp lý, kiểm soát thủ tục hành chính… thì nổi cộm nhất là tình hình thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính trong việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè tại TP.HCM. Các phòng tư pháp quận, huyện báo cáo tình hình là họ không có mặt, không được phân công nhiệm vụ cũng như đi theo đoàn cưỡng chế.

Bà Nguyễn Diệp Bích Hạnh, Trưởng Phòng tư pháp quận 1, TP.HCM cho biết, cơ quan mình có xây dựng quy trình xem như cẩm nang về việc xử lý vi phạm hành chính. Khi đi làm thì cán bộ có thể trang bị cẩm nang này để làm cho đúng pháp luật, chứ tư pháp quận không có mặt trong đoàn đi cưỡng chế (không được phân công cho tư pháp đi theo). Ủy ban chỉ trao đổi khi có vướng mắc, lấn cấn, phát sinh tình huống khi tố chức cưỡng chế. Theo báo cáo thì quận Bình Tân, Thủ Đức, phòng tư pháp quận cũng không có mặt trong thành phần đi cưỡng chế.

“Ở Củ Chi không cưỡng chế một hộ dân nào mà vẫn giải tỏa được 650/700 hộ dân ở dọc bốn tuyến đường tỉnh lộ chính của huyện. Chúng tôi chọn giải pháp vận động, thuyết phục các hộ lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè tự tháo dỡ là chính. Thậm chí chúng tôi cho lực lượng đến phụ để tháo dỡ…”- Bà Nguyễn Thị Phướng, Trưởng phòng tư pháp huyện Củ Chi chia sẻ.

Nguyễn Diệp Bích Hạnh, Trưởng Phòng tư pháp quận 1,TP.HCM phát biểu tại cuộc họp giao ban . Ảnh: KIM PHỤNG 

Bà Phướng giải thích thêm, đúng là có khó khăn trong vận động hộ dân. Nhưng chúng tôi làm đến ba lần mà họ vẫn không chấp hành tháo dỡ lấn chiếm thì lúc đó phòng tư pháp sẽ rà soát hồ sơ để tham mưu quy trình cưỡng chế. Tuy nhiên, chúng ta phải tính đến thời điểm tạo lập của căn nhà, công trình vi phạm, quy định pháp luật liên quan để vận động người dân chấp hành chủ trương của nhà nước. Đề cao tính tự nguyện của họ chỉ khi không được nữa thì mới tính đến cưỡng chế. Hiện tại huyện còn 50 hộ dân/700 hộ dân vi phạm và chúng tôi tiếp tục làm công tác vận động để họ chấp hành.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM kết luận, chuyện dọn dẹp vỉa hè để tiến tới một thành phố văn minh đường thông, hè thoáng là điều phải làm. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân tự nguyện tháo dỡ. Nếu phải xử lý vi phạm bằng cách cưỡng chế cũng phải đúng quy trình, đúng pháp luật. Thành phố chủ trương quyết tâm lập lại trật tự lòng, lề đường nhưng việc xử lý vi phạm phải đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Hiện nay, theo quy định hiện hành thì phòng tư pháp có nhiệm vụ theo dõi và tham mưu về pháp luật. Như vậy, đề nghị các phòng tư pháp quận, huyện không chờ phân công mà phải chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình tham mưu bằng văn bản cho lãnh đạo UBND cùng cấp trong việc xử lý vi phạm hành chính theo đúng pháp luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm