Từ thầy cãi đến vị thế của luật sư trong xã hội

Nhân ngày Truyền thống Luật sư (LS) Việt Nam 10-10, PLO xin giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Chương, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, về nghề cao quý, phụng sự công lý này.

Từ danh xưng thầy cãi đến LS, người bào chữa

Cãi, biện hộ, bào chữa, bảo vệ quyền lợi là những từ diễn đạt chức năng, chức trách của nghề LS theo những góc nhìn khác nhau.

Theo thiển nghĩ của người viết, cãi hay “thầy cãi” là cách nói, cách gọi nôm na, mang màu sắc dân dã, có phần nhấn mạnh đến sự đối đầu của một bên với bên kia trong bối cảnh một nền tư pháp mang nặng tính áp chế. Chức năng cãi được gắn với nghề LS ở giai đoạn nghề này chưa mấy phát triển, khi trong xã hội không nhiều người biết cãi và có điều kiện để cãi.

Các luật sư tại phiên tòa xử bà Nguyễn Thị Phấn (Sáu Phấn). Ảnh: HOÀNG YẾN

Tất nhiên, để được tôn xưng là “thầy cãi” thì người ấy cũng phải đạt đến một trình độ chuyên môn nhất định và có những kỷ năng cần thiết, tương tự như đối với thầy giáo, thầy thuốc, thấy ký…

“Biện hộ” phải chăng gắn với biện minh trạng, trạng sư? Danh xưng ấy thể hiện một bước phát triển trong lịch sử của nghề LS. Khi ấy, người biện hộ thực thi chức trách của mình một cách bài bản, chính quy hơn. Ngôn từ trong biện minh trạng có thể thiên về màu sắc kinh viện, ứng với thói quen, biến chuyển trong cách dùng từ, hành văn, ngôn phong… ở thời kỳ đó nhưng người biện hộ giỏi là ở chỗ tìm ra, nhấn nhá các luận cứ, lý lẽ thể hiện rõ lợi thế của thân chủ - khách hàng của mình.

Đến khi các văn bản luật về tố tụng định nghĩa một cách rõ ràng, xác định rõ nội hàm, chức năng, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự cùng với các luật quy định về việc hành nghề, quản lý việc hành nghề, quy tắc đạo đức… của LS thì có thể nói sự phát triển về mặt lý luận đối với nghề LS đã tiến một bước khá dài.

LS, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đã được xác định là một mắt xích trọng yếu trong quá trình vận hành cổ máy tư pháp - tố tụng. Cái nhìn của các cơ quan tiến hành tố tụng, của xã hội đối với người làm nghề LS (tranh tụng và tư vấn) đã khác nhiều so với trước. Và các LS cũng phải tự nâng cao trình độ năng lực, cả về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng…

Con số hơn 13.000 LS trong cả nước thể hiện một cách hùng hồn nhu cầu của các tầng lớp/thành phần có sự tiếp cận, cọ xát, va đập và cả va vấp trong các quan hệ pháp luật, thể hiện sự coi trọng của xã hội đối với nghề này. Điều đó cũng thể hiện sức hút của nghề cao quý này đối với những ai có thời gian trau dồi, lĩnh hội, tiếp thu các kiến thức pháp luật, tích lũy kinh nghiệm, rèn giũa kỹ năng cần thiết cho nghề.

Đó là con số đáng mừng nhưng quả thật như nhiều lần ở các hội thảo, tôi nghe được các ý kiến rất đáng suy ngẫm từ người có thẩm quyền với ý: Con số ấy chưa thấm vào đâu khi so sánh tỉ lệ LS với số dân, số doanh nghiệp (trong và ngoài nước) ở nhiều nước phát triển, nhiều thành phố phát triển.

Các luật sư trước phiên tòa xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"). Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Và "vị thế ngang bằng" với kiểm sát viên

Một thời gian dài, vị trí ngồi của LS (cũng phần nào thể hiện vị thế LS) trong các phiên xử hình sự sao mà nó “thấp lè tè” trông đến là tội nghiệp. Trong khi ông kiểm sát giữ vai trò công tố có quyền hạn to và được sắp xếp chổ ngồi “cao ư là cao” (nhiều khi chủ tọa phiên tòa, HĐXX khi bước vào còn phải chào ông này!).

Trong khi về mặt lý luận, ông tòa ngồi giữa là thể hiện vai trò trung gian, lắng nghe bằng hai tai các luận cứ, lý lẽ của hai bên tranh tụng để từ đó suy xét, ra phán quyết đúng pháp luật, phù hợp thực tế khách quan, tiệp cận với sự thật/công lý.

Tôi nhớ liên tục trong hai, ba năm của những năm 2000, thông qua ý kiến của nhiều LS có tên tuổi, có bề dày kinh nghiệm, những thẩm phán, kiểm sát viên và nhiều quan chức trong ngành tư pháp có tư tưởng cấp tiến, báo Pháp Luật TP.HCM đã đeo đuổi với tinh thần đầy nhiệt huyết, thực hiện tuyến bài về “Chỗ ngồi - vị thế của LS”. Các bài báo đã nhận được sự thấu hiểu, đồng tình của nhiều vị đang nắm giữ các chức vụ cao trong bộ máy tư pháp, Chính phủ, Quốc hội…

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ra đời với việc xác định định hướng lớn của cải cách tư pháp là lấy tòa án làm trung tâm, phán quyết của tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa đã làm nức lòng giới LS và những người làm công tác tư pháp/tố tụng. Đến Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, việc xác định vị thế của LS được làm rõ hơn, nổi bật hơn.

Từ đó có những thay đổi căn bản trong cách nhìn về vị thế LS, mà cụ thể là các phương án đề xuất và phương án được TAND Tối cao lựa chọn trong bố trí các thành phần tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính và việc LS được tham gia trong các khiếu kiện hành chính…

Đặc biệt, từ đây chỗ ngồi của LS đã được bố trí ngang bằng với kiểm sát viên tại tòa. Đó quả là một hành trình không ít gian nan, bởi nếu cứ nói vị thế của LS ngang bằng với Viện Kiểm sát nhưng chỗ ngồi của LS lại thấp hơn chỗ ngồi của kiểm sát viên là điều không thể chấp nhận được.

Luật sư Phạm Công Hùng tại phiên tòa xử Vũ "nhôm". Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Điểm tựa của người dân và doanh nghiệp

Nói vậy nhưng người viết bài này cũng muốn nhắc một chút, dù hôm nay là “ngày vui vẻ”. Không ít LS cãi lấy được, miễn sao “hoàn thành hợp đồng” để nhận thù lao. Một số khác yêu cầu thân chủ, khách hàng thỏa thuận chia tỉ lệ tiền, giá trị tài sản “giành lại được” một cách hơi quá. Rồi chuyện “đi đêm” miễn sao đáp ứng nhu cầu của thân chủ, khách hàng. Cạnh đó, nhiều LS còn non về kiến thức luật, giải thích, áp dụng pháp luật sai, hướng dẫn thân chủ đi lòng vòng, không loại trừ đi theo con đường bá đạo, phi pháp…

Tuy nhiên, "mía sâu có đốt...", đó chỉ là những trường hợp cá biệt, không thể "làm rầu nồi canh" cả một đội ngũ LS năng động, giỏi giang, luôn lấy việc phụng sự xã hội, bảo vệ công lý làm phương châm, mục đích hành nghề.

Nhân ngày Truyền thống LS Việt Nam, người viết xin được gửi lời chúc sức khỏe, thành công đến các anh chị LS, những người luôn tận tâm vì quyền lợi của thân chủ, khách hàng. Chúc các anh chị luôn mang lại niềm tin và nhận được sự yêu quý, kính trọng từ người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan, những người tiến hành tố tụng.

Xã hội luôn cần và luôn dựa vào LS, điều đó đã nói lên vị thế, vai trò của nghề cao quý này!

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10-10-2019

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm