Ủy ban thua kiện vì nhầm dân sự với hành chính

Ngày 20-11, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ Công ty CP Vật liệu xây dựng 720 (nay là Công ty CP 720, gọi tắt là Công ty 720) kiện tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với đồng bị đơn là UBND TP Cần Thơ và Sở TN&MT. Đây là vụ kiện mà các bên có cách hiểu khác nhau về quan hệ pháp luật trong việc ký hợp đồng.

Yêu cầu ủy ban thanh lý hợp đồng

Theo đơn khởi kiện, năm 2005 Công ty 720 ký hợp đồng thuê đất với UBND TP Cần Thơ, đại diện là Sở TN&MT. Diện tích đất cho thuê là hơn 65.500 m2 tại phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Thời hạn thuê đất là 10 năm, kể từ ngày 18-5-2005 đến ngày 18-5-2015. Giá thuê đất là hơn 316 triệu đồng/năm, tính từ ngày 18-5-2005 cho đến hết thời hạn thuê đất. Phương thức nộp tiền thuê đất là nộp tiền hằng năm.

Sau đó Công ty 720 đã thanh toán tiền thuê đất hằng năm đầy đủ đến năm 2015 là hơn 3,16 tỉ đồng và còn nộp dư số tiền thuê đất hơn 2,5 tỉ đồng. Đến nay hợp đồng chưa được thanh lý.

Từ đó công ty khởi kiện yêu cầu tòa buộc UBND TP Cần Thơ, Sở TN&MT thanh lý hợp đồng thuê đất nêu trên và buộc UBND TP, Sở TN&MT, Cục Thuế hoàn trả cho công ty số tiền hơn 2,5 tỉ đồng đóng dư.

Xử sơ thẩm vào tháng 7, TAND quận Ninh Kiều đã chấp nhận một phần khởi kiện của Công ty 720, buộc UBND TP Cần Thơ phải thanh lý hợp đồng thuê đất nêu trên với Công ty 720.

Cho rằng bản án sơ thẩm xử chưa đúng nên hai bị đơn đều có kháng cáo yêu cầu sửa toàn bộ bản án theo hướng bác yêu cầu của nguyên đơn. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là Cục Thuế TP Cần Thơ cũng kháng cáo bản án.

Kháng cáo của UBND TP Cần Thơ cho rằng hợp đồng thuê đất giữa UBND TP (do Sở TN&MT đại diện) và Công ty 720 không phải là hợp đồng dân sự theo BLDS. Hợp đồng thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất là thủ tục hành chính theo Luật Đất đai.

Ngoài ra, Công ty 720 thuộc đối tượng phải điều chỉnh lại đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định 142/2005 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 121/2010.

Công nhân Công ty 720 đang làm việc tại xưởng sản xuất. Ảnh: NN

Là tranh chấp dân sự

Từ đó UBND TP Cần Thơ yêu cầu tòa phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu khởi kiện, quyết định tiền thuê đất phải nộp của Công ty 720 thực hiện theo hai nghị định nêu trên.

Tại tòa, đại diện của hai bị đơn và người liên quan tái khẳng định rằng hợp đồng thuê đất giữa Công ty 720 và UBND TP Cần Thơ không phải là hợp đồng dân sự mà là… quyết định hành chính!

Trong khi đại diện nguyên đơn cho rằng hai bên đã ký hợp đồng thuê đất là theo quy định của BLDS. Trong hợp đồng nêu rõ về giá thuê, thời hạn thuê trong 10 năm, có điều khoản quy định chấm dứt hợp đồng khi hết thời hạn thuê mà không gia hạn tiếp.

Phía nguyên đơn cũng cho rằng mình đã thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng, nộp tiền thuê đất đầy đủ nên đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo của các bị đơn và người liên quan. Nguyên đơn đề nghị tòa chấp nhận các yêu cầu của mình là buộc bị đơn thanh lý hợp đồng để tiến hành ký lại hợp đồng thuê đất, giúp doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân.

Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm nhận định hợp đồng thuê đất là hợp đồng dân sự. Điều 4 của hợp đồng ghi rõ hợp đồng sẽ chấm dứt trong trường hợp hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn thuê tiếp.

Theo HĐXX, kháng cáo của bị đơn và người liên quan không có cơ sở và chấp nhận đề nghị của VKS tại tòa. Từ đó tòa quyết định giữ y bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của UBND, Sở TN&MT và Cục Thuế TP Cần Thơ, buộc hai bị đơn phải thanh lý hợp đồng thuê đất với Công ty 720.

Phải áp dụng BLDS để giải quyết

Đại diện VKS cho rằng hợp đồng thuê đất giữa nguyên đơn và bị đơn là giao dịch dân sự dựa trên sự thỏa thuận và tự định đoạt của các bên. Vì thế hai bên phải tôn trọng những thỏa thuận đã được ghi nhận trong hợp đồng. Trong hợp đồng không có điều khoản nào để bên cho thuê tăng tiền thuê đất nên Cục Thuế tăng tiền thuê đất là không đúng theo quy định…

Hợp đồng thuê đất giữa hai bên là hợp đồng dân sự nên phải áp dụng luật dân sự. Phía bị đơn yêu cầu áp dụng Nghị định 142 và Nghị định 121 trong trường hợp này là không phù hợp vì nghị định này chỉ áp dụng với quyết định, quy định hành chính. Từ đó VKS đề nghị tòa bác kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giữ y bản án sơ thẩm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm