Ủy ban Tư pháp: Chất lượng tranh tụng chưa thuyết phục

Thẩm tra báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp (UBTP) đánh giá năm 2018, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. “Tỉ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, truy tố đúng tội danh đạt 99,8%” - Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga dẫn chứng.

93 trường hợp tòa trả hồ sơ vì bỏ lọt tội phạm

Tuy nhiên, vẫn còn 31 trường hợp VKS phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và hai bị can đã tạm giam nhưng sau đó phải chuyển xử lý hành chính hoặc trả tự do vì hành vi không cấu thành tội phạm hoặc không có sự việc phạm tội. Cạnh đó, vẫn còn 22 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố và 10 trường hợp VKS phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.

UBTP cũng cho rằng số vụ án TAND trả hồ sơ cho VKS để yêu cầu điều tra bổ sung vẫn chiếm tỉ lệ cao (1.300 hồ sơ), trong đó có tới 93 trường hợp tòa trả hồ sơ vì lý do giai đoạn điều tra, truy tố bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đáng lưu ý, số vụ án TAND trả hồ sơ cho VKS để yêu cầu điều tra bổ sung nhiều gấp gần hai lần số vụ VKS trả hồ sơ cho CQĐT. “Chiếm tỉ lệ lớn vẫn là án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cho thấy chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra của VKS đối với một số vụ án còn chưa đáp ứng yêu cầu” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Trong khi đó, số vụ án VKSND Tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra bị tòa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung lên tới gần 44%. “Đây là hạn chế đã được UBTP chỉ ra trong báo cáo thẩm tra các năm 2016, 2017 nhưng không những chưa được khắc phục mà lại có xu hướng tăng nhiều hơn, gấp ba lần” - bà Lê Thị Nga nói. Bà cũng đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm để tăng cường chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, đảm bảo việc giải quyết vụ án kịp thời, chính xác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: TTXVN

Trách nhiệm công tố của kiểm sát viên được tăng cường nhưng...

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng năm 2018, VKSND các cấp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là tại một số phiên tòa xét xử các vụ án lớn, dư luận quan tâm, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao.

“Số bị cáo VKS truy tố nhưng tòa cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm ba trường hợp...” - báo cáo thẩm tra dẫn chứng. Tuy nhiên, vẫn còn 150 trường hợp VKS truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt. Đáng lưu ý, VKS đã truy tố oan sáu người dẫn đến tòa cấp sơ thẩm phải tuyên không phạm tội.

“Chất lượng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa chưa thuyết phục, chưa đạt yêu cầu” - báo cáo thẩm tra nêu rõ. Báo cáo cũng cho rằng theo phản ánh còn có những kiểm sát viên chưa chủ động tranh luận để làm rõ căn cứ buộc tội; cá biệt có trường hợp phát biểu “giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã truy tố”, không đưa ra được chứng cứ hoặc đối đáp thuyết phục…

Ngoài ra, nhiều VKS chưa thực hiện tốt trách nhiệm kiểm sát, kháng nghị, dẫn tới số lượng kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp trên trực tiếp chiếm tới hơn 50%. Còn một số kháng nghị của VKS thiếu căn cứ, sau đó VKS cấp trên phải rút kháng nghị.

“Số lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thấp hơn rất nhiều so với số lượng bản án bị tòa cấp giám đốc thẩm, tái thẩm hủy, sửa, cho thấy VKS ít phát hiện được vi phạm, chủ yếu vẫn do tòa án tự phát hiện” - UBTP nhận định.

43 trường hợp phải hủy án

Thẩm tra báo cáo của chánh án TAND Tối cao, UBTP cho rằng năm 2018, công tác xét xử của các tòa tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực: Trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà các tòa áp dụng cơ bản đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo được kiểm soát chặt chẽ; số bị cáo được hưởng án treo đúng pháp luật đạt trên 99%...

Ngành tòa án đã khẩn trương đưa ra xét xử 157 vụ án tham nhũng với 398 bị cáo; đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Đáng chú ý, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan tiếp tục giảm và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội.

“TAND Tối cao đã công khai toàn bộ các bản án trên cổng thông tin điện tử của tòa án, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát và qua đó buộc mỗi thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm. Các phòng xử án được bố trí lại theo yêu cầu cải cách tư pháp, được dư luận đồng tình ủng hộ” - báo cáo thẩm tra ghi nhận.

Tuy nhiên, UBTP cũng cho rằng vẫn còn một tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; một số trường hợp tòa tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. “Vẫn còn 43 trường hợp phải hủy án, 112 trường hợp phải sửa án. Còn 95 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, phải sửa án...” - báo cáo thẩm tra dẫn chứng.

Cạnh đó, qua kiểm sát, VKS đã ban hành 637 kiến nghị đối với TAND yêu cầu khắc phục các vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Một số tòa còn chưa thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa, nghị án, tống đạt bản án, thời hạn gửi các văn bản tố tụng cho VKS.

Bà Lê Thị Nga cho biết qua thẩm tra các báo cáo, UBTP đã có năm kiến nghị với viện trưởng VKSND Tối cao, năm kiến nghị đối với chánh án TAND Tối cao. “Đề nghị viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị này tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, diễn ra vào tháng 10-2019” - bà Nga nói.

Còn 151 bản án hành chính chưa được thi hành

Liên quan đến công tác thi hành án (THA) hành chính, trong kỳ báo cáo, các cơ quan THA dân sự đã thực hiện theo dõi 288 bản án, ra thông báo về trách nhiệm tự nguyện THA đối với 257 việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp do không chấp hành án. Kết quả thi hành xong 127 việc.

Theo UBTP, dù số vụ án hành chính thuộc diện theo dõi ít hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng số việc thi hành xong lại giảm. “Qua giám sát, mặc dù UBTP đã kiến nghị cụ thể nhưng đến nay vẫn còn 151 bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà người phải THA là UBND, chủ tịch UBND chưa thi hành xong (tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước)” - UBTP dẫn chứng.

“UBTP đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và có giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA” - bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm