Vận động, thuyết phục thi hành án tới phút cuối

Theo Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp), đây là mô hình vận động đạt hiệu quả rõ nét nhất ở khu vực phía Nam...

Mới đây, đoàn công tác của ngành thi hành án (THA) dân sự tỉnh Sóc Trăng đã đến hai xã ở Long An là xã Hiệp Thạnh (Châu Thành) và xã An Thạnh (Bến Lức) học hỏi về mô hình vận động, hòa giải khi tổ chức THA mà Long An xây dựng thành công từ hơn 10 năm qua.

Cả hệ thống cùng vào cuộc

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, Long An đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống xã, ấp tham gia công tác THA dân sự. Đến tìm hiểu tận nơi, rất nhiều câu hỏi ngạc nhiên của đoàn THA ở Sóc Trăng dành cho các tổ vận động: Xã báo cáo về công tác THA dân sự đầy đủ, bài bản, có phải do Chi cục THA dân sự huyện làm giúp? Những loại án như thế nào thì phân xuống xã? Các cô chú trong tổ vận động có được hỗ trợ kinh phí gì không mà phối hợp với chấp hành viên (CHV) quá tốt như vậy?

Giải đáp các câu hỏi trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành Tô Minh Tâm cho biết: Châu Thành là huyện nông nghiệp. Trong huyện, mỗi CHV được phân công phụ trách vài xã. Địa bàn rộng mấy ngàn hộ, một mình CHV làm không xuể nên hồ sơ THA thuộc xã nào thì CHV phân về xã đó, không phân biệt án dễ, khó hay giá trị vụ việc. Án liên quan tới nông dân thì hội nông dân tham gia, liên quan đến cựu chiến binh thì hội cựu chiến binh vào cuộc... Hằng tuần, CHV xuống xã cùng tổ vận động tìm hướng giải quyết. Vận động theo hình thức cuốn chiếu, hết ấp này tới ấp khác. Chỉ có đợt cao điểm, mỗi lần đi vận động thì thành viên của tổ mới được hỗ trợ 20.000 đồng/ngày.

Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành Võ Văn Xuân bổ sung: “Án mới là trong vòng 10 ngày chúng tôi phải tác nghiệp liền, không để tồn đọng. Trưởng ban vận động luôn là người đứng đầu địa phương như chủ tịch xã, chủ tịch huyện. Vụ nào khó quá thì đích thân chủ tịch “xuất quân” đi vận động, thế là dân suy nghĩ lại liền à. Nếu người phải THA là đảng viên thì càng khỏe, CHV chỉ cần lập danh sách chuyển qua bí thư để bí thư mời lên làm việc là tự nguyện THA thôi”.

Một tổ vận động ở Châu Thành (Long An) đang tới nhà người phải THA. Ảnh: HCT

Còn ở một huyện công nghiệp như Bến Lức, cứ án từ 1 triệu đồng trở xuống thì CHV giao cho xã, thành viên tổ vận động được hỗ trợ 40.000 đồng/ngày làm việc. Theo Chủ tịch xã An Thạnh Trần Ngọc Ẩn, xã phân công cho từng đảng viên sinh sống ở gần người phải THA đi vận động. “Vài ba lần chưa được thì cả tổ cùng đi rồi cũng thành công thôi” - ông Ẩn nói.

Chi cục trưởng THA dân sự huyện Bến Lức Đoàn Kim Từ cho biết thêm đơn vị này quản lý công việc trên máy tính để tránh tình trạng CHV giấu án, báo cáo sai. Giao ban thứ Hai hằng tuần, các CHV đều phải báo cáo tiến độ của từng vụ việc...

Tới phút cuối vẫn vận động, thuyết phục

Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành Tô Minh Tâm chia sẻ niềm vui với chúng tôi về việc mới giao đất thành công trong một vụ tranh chấp của hai anh em ruột gần 70 tuổi.

Theo một bản án có hiệu lực pháp luật, vợ chồng ông NHM (người em) phải trả cho ông NVC gần 900 m2 đất và gần 5 triệu đồng chi phí thẩm định giá, ngoài ra còn phải đóng gần 20 triệu đồng án phí. Tháng 8-2016, Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành ra quyết định THA.

Hai lần anh Tâm gửi giấy mời thì vợ chồng ông M. đều không lên. Qua phối hợp với tổ vận động ở xã, anh Tâm biết vợ ông M. là giáo viên hưu trí. Lần đầu tới nhà, bà từ chối THA, nói án tuyên không đúng. Nửa tháng sau, anh Tâm cùng tổ vận động quay lại hỏi thăm sức khỏe, tâm tư, hoàn cảnh... Nói chuyện hồi lâu, vợ ông M. đồng ý đóng tiền án phí.

Anh Tâm về gặp ông C. hỏi: “Nếu em dâu tự nguyện giao đất, chú miễn cho cô ấy khoản chi phí thẩm định giá được không?”. Ông C. không chịu. Anh Tâm bèn nhờ con rể ông C. là luật sư nói giúp vì số tiền này không quá lớn, cuối cùng ông C. đồng ý.

Anh Tâm mời vợ chồng ông M. lên chi cục làm việc nhưng họ vẫn không đến. Anh và tổ vận động lại xuống tận nhà, vợ ông M. vẫn cương quyết không giao đất. “Cô nghĩ lại đi, tụi cháu xuống đây ba lần rồi. Tụi cháu không muốn thực hiện quyền của Nhà nước giao cho để cưỡng chế. Gia đình mình là giáo viên, làm vậy ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của gia đình dữ lắm, không hay. Tụi cháu cũng đã thuyết phục ông C. bỏ cho cô số tiền gần 5 triệu đồng nếu cô tự nguyện giao rồi” - anh Tâm rỉ rả thuyết phục.

Vợ ông M. vẫn không đổi ý. Anh Tâm đành ra quyết định cưỡng chế và dự trù kinh phí. Anh mang quyết định cùng tổ vận động xuống nhà vợ chồng ông M. lần nữa. “Nếu đến ngày 23-11, cô tự nguyện giao đất thì tụi cháu sẽ không cưỡng chế và cô sẽ đỡ tốn khoản phí này. Hai nhà là ruột thịt, không lẽ vì mảnh đất có mấy chục triệu đồng mà ảnh hưởng tới tình cảm sau này”. Cứ thế, anh Tâm và tổ vận động nói ra nói vào rồi ngồi đó chờ vợ ông M. suy nghĩ. Nửa tiếng sau bà cho biết sẽ tự nguyện giao đất vào ngày 20-11.

Những trường hợp kiên trì vận động người dân tự nguyện THA như trên ở Long An rất phổ biến. “Dù đã có quyết định cưỡng chế nhưng trước sự kiên trì thuyết phục, nhiều người lại nghe ra. Đôi khi vận động không được thì nhờ người thân quen, có uy tín với người phải THA thuyết phục giúp cũng có hiệu quả” - ông Huỳnh Ngọc Tuấn (Chủ tịch xã Hiệp Thạnh, Châu Thành) chia sẻ thêm kinh nghiệm.

Ai cũng biết vụ việc

CHV ít mà lượng án rất nhiều nên có tổ vận động hỗ trợ sẽ giảm tải khó khăn. Các cấp, các ngành đều nắm được công tác THA, không còn tâm lý xem đây chỉ là việc riêng của cơ quan THA dân sự. Vận động THA theo mô hình này còn là hình thức công khai, minh bạch trong công tác THA dân sự vì từ trưởng ấp, các đoàn thể cho tới chủ tịch xã… ai cũng biết.

Ông NGUYỄN VĂN GẤU, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An

Cần học tập

20.000 đồng chỉ bằng một ly cà phê nhưng các cô chú ở tổ vận động các xã vẫn nhiệt tình phối hợp với CHV, xem việc THA như việc của mình. Mô hình vận động, hòa giải khi tổ chức THA ở Long An rất hiệu quả, cần phải học tập. Sau khi đi tìm hiểu về, chúng tôi sẽ tham mưu lại cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng để huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia.

Ông LÊ TRỌNG NGUYÊN, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Sóc Trăng

Nhân rộng tới các nơi khác

Năm 2016, Long An có số việc THA dân sự thụ lý xếp thứ năm cả nước (gần 30.000 việc, số tiền hơn 4.000 tỉ đồng). Đến nay công tác THA dân sự ở Long An đã vượt chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp đưa ra.

Theo Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) Trần Hoài Phú, Cục Công tác phía Nam đang giới thiệu mô hình vận động THA của Long An tới các địa phương trong khu vực để nhân rộng. Nếu các địa phương làm hiệu quả, Cục Công tác phía Nam sẽ đề nghị Bộ Tư pháp triển khai trong cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm