Vẫn quản lý dân cư nhưng hiện đại hơn

Sáng 7-11, Bộ Công an tổ chức họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ này, trong đó có việc bỏ sổ hộ khẩu đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý

Trung tướng Trần Văn Vệ (Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết hiện nay quản lý dân cư ở Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện. Để đảm bảo mục tiêu và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ. Tuy nhiên, hiện công tác quản lý dân cư chủ yếu theo hình thức thủ công. Khi làm các thủ tục hành chính, công dân phải cung cấp nhiều loại giấy tờ, gây phiền hà. Vì vậy Chính phủ đã phê duyệt đề án về đơn giản hóa thủ tục hành chính về quản lý dân cư.

Bộ Công an đang thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tập hợp 15 thông tin cơ bản nhất của công dân mà bất kỳ ngành nào cũng sử dụng đến. Khi đã hoàn thành cơ sở dữ liệu, công dân chỉ cần mang thẻ căn cước hoặc nhớ số định danh cá nhân, cơ quan chức năng sẽ truy cập để có các thông tin cần thiết.

Về việc bỏ sổ hộ khẩu, nhiều ý kiến hiểu rằng bỏ sổ hộ khẩu là bỏ hẳn quản lý nhân khẩu, điều này là không đúng. Thực chất Nhà nước chỉ thay phương thức thủ công bằng công nghệ thông tin. “Trên thế giới, không nước nào bỏ việc quản lý dân cư cả. Bỏ sổ hộ khẩu ở đây nghĩa là chỉ bỏ tờ giấy hộ khẩu, chuyển sang quản lý bằng công nghệ thông tin” - Trung tướng Vệ nói.

Trung tướng Trần Văn Vệ.

Giải thích thêm, Thiếu tướng Lương Tam Quang (Chánh Văn phòng Bộ Công an) cho hay bãi bỏ đăng ký thường bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng mã số định danh cá nhân không có nghĩa là “bỏ quản lý”. Tương tự, đối với bãi bỏ sổ tạm trú, khi đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân vẫn tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú như hiện nay. Tuy nhiên, không cần sổ tạm trú nữa, thay vào đó công an sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu theo mã số định danh cá nhân của họ.

Về chứng minh nhân dân (CMND), Trung tướng Vệ cho biết đây là giấy tờ tùy thân nên phải có. Nói bỏ CMND ở đây nghĩa là sau này sẽ chuyển sang sử dụng thẻ căn cước. Hiện Việt Nam sử dụng cả ba loại thẻ (CMND chín số, CMND 12 số và thẻ căn cước), trong đó CMND có rất nhiều bất tiện, dễ bị làm giả; thẻ căn cước được làm bằng công nghệ hiện đại, đã thí điểm 16 tỉnh/thành. Từ ngày 1-1-2020 tới, việc cấp thẻ căn cước sẽ được triển khai ở tất cả tỉnh/thành còn lại.

Khi nào bỏ sổ hộ khẩu?

Quyền tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thông tin: Ngày 14-11 tới, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai đề án thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc, tập huấn cho cán bộ từ công an tỉnh đến huyện/phường/xã. Từ đó công an sẽ phát bảng kê đến từng hộ đối chiếu với dữ liệu của mình, công dân cùng công an xác thực các thông tin này để nhập dữ liệu. Theo dự kiến, trong vòng 2-3 năm nữa cơ sở dữ liệu sẽ hoàn thành. Trên cơ sở này Bộ Công an kiến nghị việc bỏ sổ hộ khẩu.

Cụ thể hơn, Thượng tá Trần Hồng Phú (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - C72, Bộ Công an) cho hay khi triển khai đề án, cảnh sát khu vực sẽ đến từng hộ, phát phiếu kê khai, sau đó xác nhận, thu thập thông tin bằng giấy về để cập nhật vào máy. Đây là công đoạn phức tạp nhất vì phải thu thập thông tin của hơn 90 triệu dân, chiếm phần lớn thời gian và công sức.

Thượng tá Trần Hồng Phú. Ảnh: T.PHAN

Cục phó C72 cũng thông tin đề án được thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Hiện nay, do đề án chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nên còn vướng bố trí vốn. Hiện Chính phủ giao Bộ Công an ứng tiền thực hiện trước một số dịch vụ trong năm nay, đầu năm tới Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội bổ sung dự án này. Sau khi có kế hoạch sẽ giao Tập đoàn Viettel ứng vốn thực hiện, rồi ngân sách sẽ hoàn trả theo kế hoạch được duyệt.

3.000 tỉ là kinh phí thực hiện đề án thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc.

(Theo Cục phó C72 Trần Hồng Phú) 

Ngoài ra, hệ thống kỹ thuật được đầu tư từ trung ương đến cấp tỉnh/huyện và hơn 11.000 xã/phường/thị trấn; nhiều hạng mục như phần mềm quản trị, đào tạo cho hệ thống nhân lực khổng lồ cũng sẽ được chuẩn bị. “Khi đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi bản thân công dân và các cơ quan chức năng thấy không cần đến quyển sổ hộ khẩu nữa thì khi đó sẽ đề xuất bỏ. Như vậy, hiện chưa thể khẳng định khi nào sẽ bỏ được sổ hộ khẩu” - Thượng tá Phú nói.

Trước băn khoăn việc cấp thẻ căn cước liên tục bị chậm trong thời gian qua có ảnh hưởng gì đến tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không, Thượng tá Phú khẳng định đây là hai vấn đề khác nhau nên sẽ không có ảnh hưởng gì.

“Đến năm 2020 mới tiến hành cấp thẻ căn cước trên toàn quốc, khi đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xong. Công dân khi làm thẻ căn cước chỉ cần đến chụp ảnh, lăn vân tay, mọi thông tin sẽ được lấy từ cơ sở dữ liệu sang mà không phải làm bất kỳ việc gì khác” - Cục phó C72 cho hay.

Lo ngại bị lộ thông tin cá nhân

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có đủ an toàn để chống lại sự tấn công của tin tặc và đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân của công dân? Thượng tá Trần Hồng Phú cho rằng công dân có thể yên tâm. Theo đó, trong dự án có quy định về vấn đề bảo mật thông tin và được đặt lên hàng đầu. Luật Căn cước công dân cũng quy định thu thập thông tin công dân nhưng phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an ninh an toàn về thông tin.

Bộ Công an, Tập đoàn Viettel và các đơn vị chức năng phải cùng tham gia để đảm bảo an ninh an toàn thông tin, vì đây là tài sản quốc gia, được tập trung để bảo vệ, tránh sự truy cập, khai thác thông tin trái phép. Việc chia sẻ, khai thác phải đảm bảo không làm ảnh hưởng bí mật cá nhân, bí mật đời tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm