Vì sao chỉ có luật sư bào chữa tố thân chủ?

Quy định về việc luật sư (LS) phải có nghĩa vụ tố giác thân chủ vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Quanh chuyện này một vấn đề pháp lý khác đặt ra là vì sao luật chỉ giới hạn LS với tư cách là người bào chữa trong vụ án hình sự mới có nghĩa vụ này.

Là nghĩa vụ của người bào chữa

ý kiến cho rằng trong vụ án hình sự, ngoài LS bào chữa cho bị can, bị cáo thì còn có LS bảo vệ cho người bị hại, nguyên đơn dân sự... Vậy tại sao khoản 3 Điều 19 dự thảo BLHS 2015 chỉ giới hạn nghĩa vụ LS bào chữa?

Tôi cho rằng quy định loại trừ như dự thảo là hợp lý và có ý nghĩa. Bởi theo khoản 1 Điều 72 BLTTHS 2015 người bào chữa được hiểu là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định. Người bào chữa có thể là LS, người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân hoặc trợ giúp viên pháp lý. Cũng theo BLTTHS 2015 thì LS có thể tham gia vụ án hình sự với các tư cách khác nhau: Người bào chữa (Điều 72); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 83); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 84).

Như vậy theo khoản 3 Điều 19 dự thảo thì LS với tư cách là người bào chữa mới liên quan đến nghĩa vụ tố giác tội phạm. Ngoài ra, một số người bào chữa khác như đã nói cũng có trách nhiệm này. Ý nghĩa của quy định là giới hạn nghĩa vụ của người bào chữa trong đó có LS bào chữa, LS tham gia với tư cách khác được loại trừ.

LS bào chữa thì mới biết rõ

Vì sao luật lại quy định như vậy? Theo tôi, nó xuất phát từ đặc thù công việc của người bào chữa khác hẳn với LS bảo vệ các chủ thể khác trong vụ án hình sự. Theo Điều 73 BLTTHS 2015 thì người bào chữa có quyền: Gặp, hỏi người bị buộc tội; thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra.

Nhờ các quyền mà pháp luật cho phép này người bào chữa mới có thể “biết rõ” về hành vi phạm tội do người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện, thông qua nhiệm vụ bào chữa. Những LS không phải là người bào chữa rất khó có thể “biết rõ” hành vi phạm tội của người bị buộc tội để có thể liên quan đến tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 BLHS 2015.

Còn nếu là LS nhưng không có điều kiện để biết rõ các thông tin liên quan đến hành vi phạm tội của thân chủ thì LS đó chẳng khác gì người bình thường. Trong khi luật đã quy định nguyên tắc mọi công dân đều có nghĩa vụ tố giác tội phạm. Tức là nếu người đó biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 389 BLHS đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, do có xung đột lợi ích bảo vệ trật tự xã hội với đạo đức nghề nghiệp của LS nên Điều 19 dự thảo đã giới hạn các trường hợp người bào chữa phải chịu về hành vi không tố giác tội phạm khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa. Còn cụ thể các trường hợp loại trừ, mức độ loại trừ tội không tố giác tội phạm như thế nào thì đang là vấn đề tranh luận sôi nổi những ngày qua tôi không đề cập.

Cũng có ý kiến cho rằng đã quy định nghĩa vụ của LS thì phải bao gồm cả các LS trong vụ án hình sự và LS tham gia các vụ án phi hình sự vì ngoài bảo vệ thân chủ thì họ đều là người góp phần bảo vệ công lý. Nhưng theo tôi, LS tham gia các vụ án nói chung không phải là người bào chữa, luật không cho họ có điều kiện để có nhiều thông tin về thân chủ. Là LS tham gia vụ án nhưng họ lại có nghĩa vụ của một công dân. Đây là sự thể hiện của nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trong đó có LS trong vụ án phi hình sự.

TS PHAN ANH TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm