Bất cập tội đưa, nhận hối lộ - Bài 2

Vì sao khó ‘vịn’ người nhận hối lộ trong nhiều vụ án lớn?

Ngày 2-9, CQĐT Bộ Công an có kết luận điều tra vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, hai cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng bị khởi tố về hai tội, trong đó có tội nhận hối lộ. Ngoài ra, ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch AVG, bị khởi tố về tội đưa hối lộ.

Đây là vụ án hiếm hoi mà người nhận hối lộ bị khởi tố, vì như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh trên số báo trước, có nhiều vụ án chỉ buộc được người đưa và môi giới hối lộ mà không tìm ra được người nhận hối hộ dù có những chứng cứ rõ ràng kiểu như thấy “tiền tươi thóc thật” và tên tuổi người nhận. Phân tích của các chuyên gia sẽ phần nào lý giải vì sao việc tìm ra người nhận hối lộ trong các vụ án lại khó khăn như tìm kim đáy biển.

Điều tra chưa khách quan, năng lực yếu?

Theo luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, Điều 98 BLTTHS quy định lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội. Vì thế, nếu chỉ có lời khai đưa hối lộ cho ai đó mà không có thêm chứng cứ khác như vật chứng (tiền, tài sản…), lời khai đồng phạm khác, người làm chứng, tài liệu từ tin nhắn, hình ảnh, kết quả công việc làm hay không làm một việc theo yêu cầu, hứa hẹn thì khó kết tội người nhận. Ngược lại, nếu chỉ có lời nhận tội của người nhận hối lộ mà không có chứng cứ khác thì khó kết tội người đưa hối lộ.

Chánh án một tòa quận tại TP.HCM cho rằng thường phải có chứng cứ bắt quả tang, nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng phải “bắt tại trận” thì mới buộc tội được người nhận tiền. Thực tế những người nhận hối lộ đa phần khá am hiểu pháp luật, thậm chí còn làm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Họ hiểu rõ các phương thức điều tra, truy tìm chứng cứ nên họ nhận bằng nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện.

Theo hai chuyên gia, thực tế có tình trạng CQĐT không vô tư, khách quan và quyết liệt trong việc truy tìm chứng cứ để “vịn” người nhận hối lộ. Nó xuất phát vì nhiều nguyên nhân như cả nể, thậm chí có cả tiêu cực khiến không ít vụ án bị “chìm xuồng”. Cạnh đó, năng lực chuyên môn yếu, trình độ nghiệp vụ kém của một số cán bộ điều tra cũng là vấn đề có thật. Nó là nguyên nhân gây trở ngại lớn trong việc tìm ra tội phạm, thậm chí không thể tìm ra.

Đồng tình, một phó viện trưởng VKSND thuộc tỉnh Bình Định phân tích: Người nhận hối lộ có thể làm trong các cơ quan tố tụng, thậm chí ngay trong nội bộ CQĐT. Vì vậy sẽ có tình trạng có thể tìm ra được nhưng vì quen biết nên đã bị bỏ qua và tìm cách xử lý nội bộ. Những trường hợp này là tính khách quan trong quá trình điều tra không đảm bảo, có sự bao che, thậm chí có tiêu cực. Ở một số vụ án khác thì vì năng lực điều tra yếu kém, có khi thì vì sợ ảnh hưởng đến thi đua của ngành và chỉ tiêu thi đua cá nhân mà CQĐT đã khép lại vụ việc trong nhiều nghi vấn.

Ngô Anh Quốc nhiều lần được CQĐT đề nghị miễn tội đưa hối hộ nhưng lại bị tòa kết án. ảnh: HOÀNG GIANG

Lạm dụng “suy đoán vô tội”?

Nhiều ý kiến cho rằng có thực trạng trên là do CQĐT lạm dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLHS với lập luận rằng không chứng minh được người nhận hối hộ thì “tha”. Điều đáng nói, việc lạm dụng này có thể diễn ra ở cả ba quá trình tố tụng là điều tra, truy tố và xét xử dưới hình thức khác nhau.

Hậu quả khi “trọng chứng hơn trọng cung”

Có tình trạng người tiến hành tố tụng trọng chứng hơn trọng cung, đây cũng là trở ngại không nhỏ trong việc tìm ra người nhận hối lộ. Lúc này, người tiến hành tố tụng “thỏa hiệp” với chính mình rằng việc đưa hối lộ là có thật nhưng người nhận hối lộ thì không thể lần ra vì thiếu chứng cứ. Từ đó họ buộc các nghi can đưa và môi giới hối lộ phải chịu trách nhiệm trên tổng số tiền đưa hối lộ, mà số tiền đưa càng cao thì hình phạt càng nặng. Đôi khi có bằng chứng việc giao nhận tiền nhưng họ đã không kỳ công chuyển hóa các dấu hiệu thành chứng cứ để lật tẩy tội phạm nhận hối lộ, trong khi với hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ thì lại được làm ngược lại.

Một kiểm sát viên tại TP.HCM 

TS Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội Điều 13 BLTTHS 2015 là tiến bộ. Có thể khái quát là khi tội không được chứng minh thì sự vô tội đã được chứng minh. “Nó ngăn ngừa khả năng làm oan sai, không làm kéo dài, trì hoãn vô căn cứ tiến trình tố tụng chỉ vì chứng cứ yếu hoặc còn có sự nghi ngờ, đồng thời tăng cường hơn chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng. Vì vậy, không nên nghi ngờ về giá trị của nguyên tắc này mà quan trọng là người tiến hành tố tụng vận dụng nó đúng hay sai” - TS Thanh nói.

Phân tích rõ hơn, luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, dẫn chứng vụ chiếc đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỉ đồng và cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh khai đã bỏ tiền ra mua của bị cáo Nguyễn Văn Dương (Dương khai là vật hối lộ). Nếu đúng như ông Vĩnh khai thì ông phải tiết kiệm 55 tháng lương trong bốn năm bảy tháng để mua chiếc đồng hồ này. Nếu CQĐT chỉ chăm chăm theo nguyên tắc “tài sản không giải trình được hợp lý nguồn gốc không có nghĩa là tài sản bất minh” mà không đặt ra các câu hỏi về thực tế thu nhập của ông Vĩnh và tin vào những biện bạch đơn thuần là do vay mượn… thì là không làm hết trách nhiệm. Việc đấu tranh, xác minh, điều tra để lật tẩy được bản chất của sự việc không hề mâu thuẫn với suy đoán vô tội mà ngược lại, nó càng làm nguyên tắc này có giá trị vì bản chất vụ án được phơi bày.

Khi nào được miễn tội đưa hối lộ nếu tự thú?

Từ vụ án Ngô Anh Quốc không được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội đưa hối lộ, tạo ra tranh cãi về khoản 7 Điều 364 BLHS (tương ứng với khoản 6 Điều 289 BLHS 1999) có nội dung: Người đưa hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn TNHS và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Luồng ý kiến cho rằng quy định này mang tính chất tùy nghi khi dùng từ “có thể” dẫn đến việc cơ quan tố tụng lạm dụng để miễn hoặc không. Lúc này, tùy thuộc vào nhận định của người tiến hành tố tụng trong việc xác định tính chất, mức độ, hậu quả của vụ án cũng như sự chủ động khai báo tích cực của người đưa hối lộ góp phần quan trọng thế nào trong việc phá án.

Nhưng luồng ý kiến khác lại cho rằng quy định vậy là phù hợp vì tạo ra cơ chế để cơ quan tố tụng lựa chọn việc miễn TNHS hay không, nhằm khuyến khích việc tố giác, tố cáo từ người đưa hối lộ (vốn khó phát hiện nếu không có lời khai báo của một bên đưa hoặc nhận). Cạnh đó, thực tế các vụ án không vụ nào giống vụ nào nên cần căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả để quyết định việc miễn TNHS. Ngoài ra, quy định này có tác dụng răn đe khi vẫn còn khả năng lựa chọn việc truy cứu TNHS nếu việc chủ động khai báo không phải là cơ sở quan trọng, không đóng góp hiệu quả vào việc phá án. Vì thế, người đưa hối lộ buộc phải thành khẩn khai báo toàn bộ sự thật của vụ án mới có hy vọng được miễn TNHS. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm