Việc cấp giấy bào chữa cho luật gia còn gặp khó khăn

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, chủ trì hội nghị. Phòng Bổ trợ tư pháp TP báo cáo khái quát tình hình tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật. 

Thông tin khiếu nại hành chính, đất đai gặp khó khăn

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, chủ trì hội nghị. 

Năm 2016, trên địa bàn TP có 22 trung tâm tư vấn pháp luật (không có chi nhánh); tổng số tư vấn viên pháp luật là 64, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân 17, cộng tác viên tư vấn pháp luật 74.

Năm 2017, trên địa bàn TP có 21 trung tâm (không có chi nhánh), một trung tâm có văn bản ngừng hoạt động (Trung tâm Tư vấn pháp luật Tân Việt), một trung tâm thành lập mới (Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường ĐH Luật TP.HCM). Tổng số tư vấn viên pháp luật 45, luật sư hành nghề tư cách cá nhân 34, cộng tác viên tư vấn pháp luật là 35. 

Sở Tư pháp TP.HCM cũng tiếp nhận và xử lý 14 hồ sơ liên quan đến thủ tục cấp mới, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật

Như vậy, so với năm 2016 thì năm 2017 số tư vấn viên pháp luật giảm 19 người, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân đăng ký tư vấn pháp luật tăng thêm 17 người, số lượng cộng tác viên tư vấn giảm 39 người... Năm 2017 số vụ việc tư vấn là 1.817 việc, giảm 54,86% vụ so với năm 2016 (3.312 vụ) nhưng doanh thu tăng 19,6% so với năm 2016.

Bên cạnh tư vấn pháp luật, các trung tâm tư vấn pháp luật còn tham gia góp ý dự thảo luật, phối hợp với các cơ quan khác và UBND quận/huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bầu cử Quốc hội, HĐND...

Qua thời gian thực hiện thì các trung tâm gặp một số khó khăn, vướng mắc với 22 ý kiến chia làm ba vướng mắc, cụ thể như sau:

Một là vướng từ quy định pháp luật như việc đề nghị các cơ quan, ban, ngành hữu quan cung cấp thông tin còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những vụ việc liên quan đến khiếu nại các quyết định hành chính, khiếu nại giải quyết tranh chấp đất đai. Mặc dù là quyền nhưng nếu các cơ quan, tổ chức không thực hiện cung cấp thông tin thì cũng không có quy định pháp luật buộc các cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm cung cấp. Việc cấp giấy xác nhận bào chữa cho tư vấn viên pháp luật là luật gia còn gặp khó khăn…

Hai là khó khăn trong công tác tổ chức, nhân sự vì chưa mở rộng được đối tượng tham gia trong hoạt động tư vấn pháp luật để đáp ứng nhu cầu pháp luật của người dân. Đội ngũ tư vấn pháp luật chuyên trách còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn một số người thực hiện tư vấn còn hạn chế…

Ba là khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động công tác chưa đầy đủ, kinh phí hoạt động còn khó khăn do hoạt động tư vấn pháp luật mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích lợi nhuận. Chế độ phụ cấp thù lao cho người thực hiện tư vấn còn thấp…

Sở Tư pháp cũng đề ra hướng tháo gỡ là sẽ định kỳ tổ chức hội nghị giao ban tư vấn pháp luật để giải đáp các khó khăn, vướng mắc. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên pháp luật… Báo cáo UBND TP.HCM, Bộ Tư pháp về các ý kiến đề xuất, kiến nghị của trung tâm tư vấn pháp luật để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế phối hợp, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn pháp luật hoạt động ngày càng hiệu quả hơn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm