Viện kiểm sát liên tục ‘tuýt còi’ thi hành án

Bà Phùng Ngọc Thảo phản ánh năm 2010 bà mua một mảnh đất hơn 900 m2 của bà Bùi Thị Lành và đã xây 22 căn phòng trọ. Sau nhiều lần yêu cầu bà Lành làm thủ tục tách thửa sang tên không được nên bà Thảo đã khởi kiện ra tòa yêu cầu được công nhận hợp đồng mua bán.

Kháng nghị quyết định của cấp huyện

Năm 2014, TAND huyện Trảng Bom, Đồng Nai xử sơ thẩm tuyên buộc bà Thảo phải trả cho bà Lành đất và 22 phòng trọ. Ngược lại, bà Lành phải thanh toán cho bà Thảo hơn 2,5 tỉ đồng. Ngoài ra, tòa còn tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Lành với người liên quan là bà Trần Thị Hồng Thu (cùng mua đất như bà Thảo) là vô hiệu. Bà Lành phải bồi thường cho bà Thu hơn 5,4 tỉ đồng.

Năm 2015, TAND tỉnh Đồng Nai xử phúc thẩm, sửa án tuyên buộc bà Lành chuyển giao cho bà Thu hơn 3.000 m2 đất (trong đó có diện tích đất và dãy nhà trọ mà bà Thảo đang quản lý). Các quyết định khác của án sơ thẩm có hiệu lực.

Tháng 7-2015, bà Thu có đơn yêu cầu thi hành án (THA). Tháng 6-2017, Chi cục THA dân sự huyện Trảng Bom cưỡng chế buộc bà Thảo phải trả đất và nhà trọ cho bà Thu.

Đầu tháng 10-2017, VKSND tỉnh Đồng Nai kháng nghị quyết định THA này, cho rằng khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, bà Thảo bên cạnh nghĩa vụ phải trả quyền sử dụng đất và dãy nhà trọ thì còn có quyền nhận lại hơn 2,5 tỉ đồng. Thế nhưng Chi cục THA dân sự huyện ra quyết định cưỡng chế là chưa xem xét đến quyền lợi bà Thảo.

Cũng theo VKS, bà Lành là người được THA chưa có đơn yêu cầu THA nhưng THA lại cưỡng chế buộc bà Thảo phải chuyển giao quyền sử dụng đất cho bà Thu là không đúng đối tượng được THA. VKSND tỉnh yêu cầu chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện thu hồi quyết định THA. Từ đó cơ quan này đã có văn bản trả lời VKS là chấp nhận kháng nghị của VKS và thu hồi quyết định cưỡng chế.

Bà Thảo bên phần đất có dãy nhà trọ. Ảnh: KT

“Phản pháo” với hướng dẫn của tổng cục

Giữa tháng 10-2017, đến lượt bà Thảo có đơn yêu cầu THA đối với nội dung bà Lành phải trả bà hơn 2,5 tỉ đồng.

Lúc này thấy vụ việc phức tạp nên Cục THA dân sự tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ. Sau đó Tổng cục THADS có văn bản hướng dẫn rằng nghĩa vụ bà Lành trả tiền, bà Thảo trả đất và nhà trọ là hai nghĩa vụ độc lập, THA không mang tính đồng thời. Nếu bà Thảo không tự nguyện trả đất cho bà Thu thì THA cưỡng chế giao tài sản cho bà Thu. Căn cứ vào văn bản hướng dẫn này Cục THA tỉnh đã bác khiếu nại của bà Thảo về việc bà cho rằng bị cưỡng chế THA sai.

Tuy nhiên, cuối năm 2017 VKSND tỉnh lại có công văn xin ý kiến của VKSND Tối cao, nêu: “Tổng cục THA dân sự hướng dẫn chưa đúng với nội dung bản án. Vì sau khi mua đất, bà Thảo đã bỏ thêm tiền để xây dựng nhà trọ. Cũng tại cuộc họp liên ngành vào tháng 10-2017, TAND tỉnh và VKSND tỉnh đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án vì án tuyên khó thi hành. Ban đầu Chi cục THA dân sự huyện chấp nhận kháng nghị của VKS nhưng khi có văn bản hướng dẫn của Tổng cục THA dân sự thì lại không thực hiện theo kháng nghị”.

Mới đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo của Chi cục THA dân sự huyện cho biết hiện cơ quan này chưa thể tổ chức cưỡng chế buộc bà Thảo giao đất và nhà trọ cho bà Thu. Lý do là phải chờ văn bản của VKSND Tối cao hướng dẫn nghiệp vụ với VKSND tỉnh, sau đó Chi cục THA dân sự huyện mới có hướng giải quyết tiếp theo.

Do án tuyên chưa rõ?

Theo một thẩm phán của TAND TP.HCM, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tòa tuyên chưa rõ, chưa đảm bảo được quyền lợi của các bên đương sự. Cụ thể, nếu thực sự bà Thảo bỏ tiền ra xây dựng 22 phòng trọ mà TAND tỉnh chỉ buộc bà Lành trả hơn 2,5 tỉ đồng nhưng lại không xem xét đến tài sản đảm bảo thì bất lợi cho bà Thảo. Hoặc nếu công nhận hơn 3.000 m2 đất thuộc sở hữu của bà Thu thì phải cân nhắc tới việc bà này có hỗ trợ trả tiền xây nhà trọ cho bà Thảo hay không… Do đó phải xem xét giám đốc thẩm với hai bản án này theo hướng hủy để xét xử lại từ đầu.

Nhiều chấp hành viên ở TP.HCM cũng cho rằng nếu thực hiện theo công văn của Tổng cục THA dân sự thì không đảm bảo được quyền lợi của bà Thảo. Cơ quan THA nên yêu cầu tòa tỉnh giải thích bản án rằng trong trường hợp bà Lành không trả tiền cho bà Thảo thì bà Thảo có phải trả lại đất cho bà Lành không. Từ đó mới có căn cứ xem xét để bà này giao đất cho bà Thu.

TAND Cấp cao từng bác kháng nghị

Cuối năm 2015, VKSND Cấp cao tại TP.HCM từng kháng nghị, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Lý do là VKSND Cấp cao cho rằng hợp đồng chuyển nhượng hơn 3.000 m2 đất, biên bản bàn giao đất và tài sản trên đất giữa bà Lành với bà Thu là hợp đồng giả cách che đậy hành vi cho vay, không phải từ ý chí tự nguyện thỏa thuận việc chuyển nhượng đất của hai bên. Tòa hai cấp đã đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện dẫn đến áp dụng pháp luật không chính xác, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên. Tuy nhiên, kháng nghị này đã không được TAND Cấp cao chấp nhận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm