Viện tối cao rút kinh nghiệm một vụ án hành chính

VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm liên quan đến vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà C. (trú TP Phan Thiết, Bình Thuận) và người bị kiện là UBND TP Phan Thiết.

Theo hồ sơ, cha mẹ của bà C. đều đã mất và có bảy người con. Năm 1979, UBND tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) đã trưng thu 7,428 ha đất của gia đình tại xã Tân Phú Xuân, huyện Hàm Thuận (nay là xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết) nhưng chưa bồi thường.

Cha mẹ bà C. khiếu nại đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết. Sau khi cha mẹ mất các thành viên trong gia đình ủy quyền cho bà C. đại diện kế thừa việc khiếu nại.

Tháng 11-2017, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định (QĐ) thu hồi 5 lô đất ở đô thị do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, giao cho UBND TP Phan Thiết để giao cho hộ bà C. (thay cho việc giải quyết bồi thường 7,428 ha đất). Một tháng sau UBND TP Phan Thiết đã ban hành 5 quyết định về việc giao đất ở cho bà C..

Đầu năm 2018, bốn người chị của bà C. có đơn tố cáo bà C. giả mạo văn bản thỏa thuận ủy quyền để chiếm đoạt tài sản. Ngày 22-5-2018, UBND TP Phan Thiết ban hành QĐ số 3783 hủy bỏ 5 QĐ giao đất ở cho bà C. nói trên.

Không đồng ý, bà C. khởi kiện yêu cầu hủy QĐ 3783 và yêu cầu UBND TP Phan Thiết phải bồi thường thiệt hại do QĐ hành chính trái pháp luật gây ra.

Tháng 10-2018, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà C.. Bà C. kháng cáo và TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm, tuyên hủy QĐ 3783.

Sau đó, bà M. (là chị bà C.) là người liên quan trong vụ án có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Tháng 9-2019, VKSND Cấp cao tại TP.HCM có thông báo gửi VKSND Tối cao đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tháng 7-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và giữ nguyên án sơ thẩm.

Theo đó, việc UBND TP Phan Thiết hủy bỏ 5 QĐ giao đất cho bà C. là đúng. Bởi vì, việc giao đất này xuất phát từ khiếu nại của cha mẹ bà C. về việc trưng thu 7,428 ha đất vào năm 1979 nhưng không bồi thường. Sai sót của 5 QĐ giao đất là chỉ giao cho mỗi cá nhân bà C. trong khi đối tượng được giao đất là 5 người (là con của cha mẹ bà C.). 

QĐ giao đất có nội dung giao đất ở cho bà C. với tư cách là người nhận thừa kế từ hộ gia đình là trái thực tế. Bởi, văn bản thỏa thuận do Văn phòng công chứng AP lập có nội dung: “Bên A (6 anh, chị em của bà C.) đồng ý cho bên B (bà C.) toàn quyền sử dụng quyền và nghĩa vụ (nếu nhận được hỗ trợ) từ UBND tỉnh Bình Thuận sau khi vụ khiếu nại chấm dứt”.

Văn bản này không phải là văn bản về thừa kế và nội dung thỏa thuận cho phép bà C. được toàn quyền sử dụng quyền và nghĩa vụ (nếu nhận được hỗ trợ) từ UBND tỉnh Bình Thuận. Nó không đồng nghĩa với việc bà C. được thừa kế toàn bộ 5 lô đất trên.

Văn bản công chứng trái luật

Ngoài ra, văn bản thỏa thuận do Văn phòng công chứng AP lập theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra thì tại thời điểm công chứng, không có mặt các anh chị em của bà C.. Văn bản thỏa thuận đã được soạn sẵn và đã có chữ ký của các bên. Các anh, chị, em của bà C. đều xác nhận không ký vào văn bản này.

Công chứng viên không chứng kiến những người thỏa thuận ký trước mặt nhưng vẫn làm chứng. Văn bản này cũng không có trong hồ sơ lưu trữ của tổ chức công chứng nên không hợp pháp và không có giá trị sử dụng.

Cơ quan điều tra cũng xác định bà C. đã cố ý thực hiện hành vi gian dối, sử dụng văn bản cũ, đưa đi yêu cầu công chứng trái pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm