Viện trưởng VKS tối cao nói về hai nghi án oan

Hai vụ án có biểu hiện oan sai, kéo dài nhiều năm tại Bình Phước và Phú Yên đã được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn tại nghị trường hôm qua (16-11). Đó là vụ án xảy ra tại Ban Quản lý chợ Đồng Xoài (Bình Phước) từ năm 2006 và vụ chị Trần Thị Hải Yến (Phú Yên) chết khi bị tạm giam năm 2013.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời về hai vụ án này.

“Vụ án chợ Đồng Xoài không oan”

“Tại sao một vụ án không phức tạp nhưng lại để kéo dài tới gần 10 năm? Kết luận của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH trước QH tại kỳ họp thứ 9 về vụ án này là đúng hay sai?” - ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) chất vấn.

Theo ĐB Hùng, tháng 12-2014, đoàn giám sát của QH đã giám sát vụ án này. Sau đó UBTVQH có báo cáo khẳng định: “Đặng Công Văn và Bùi Văn Quỳnh ở Ban Quản lý chợ Đồng Xoài đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn ba năm vẫn bị khởi tố hình sự về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Đến năm 2014, vụ án phải đình chỉ. Rõ ràng việc khởi tố, xử lý hình sự đối với những người trên là sai vì đã xử lý hai lần trong cùng một vi phạm pháp luật”.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình trả lời: Anh Quỳnh và anh Văn tham gia vào ban quản lý chợ. Ban quản lý chợ được phép thu tiền của các tư thương để phục vụ cho việc quản lý chợ. Cơ quan điều tra phát hiện trong quá trình thu chi, ban quản lý chợ đã sử dụng một số khoản tiền không đúng, ví dụ như ăn tiêu, mua điện thoại, quà biếu, tiếp khách. Đặc biệt, hai vị này có tiền cá nhân cho ban quản lý chợ vay và dùng tiền thu đó để trả tiền lãi và tiền cá nhân cho mấy vị này. Vì vậy, công an phát hiện sau kết luận thanh tra thì khởi tố vụ án và tòa sơ thẩm ở Bình Phước đã xét xử lần đầu anh Quỳnh bảy năm ba tháng tù, anh Văn 36 tháng tù treo, do kháng nghị nên hủy án và điều tra lại.

“Vụ án được khởi tố tháng 7-2009, xét xử tháng 7-2011, đến tháng 10-2013 đã đình chỉ và không xem xét nữa. Sở dĩ kéo dài cho đến nay là do quá trình xem xét và trả lời đơn thư khiếu kiện và trả lời ĐBQH nên kéo dài cho tới năm 2015, còn vụ án đã được khép lại từ năm 2013” - ông Bình nói.

Về trách nhiệm của VKS, ông Bình cho hay: “Chúng tôi lập đoàn liên ngành vào kiểm tra xem xét, đánh giá. Chúng tôi đã trả lời không có oan. Vì hai nhân vật này vụ án đã xảy ra từ lâu, đã trả lại tiền thu cho vay đối với ban quản lý, tự nguyện trả lại và cũng có nhân thân tốt. Cho nên liên ngành của Bình Phước đã đồng ý đình chỉ. Đình chỉ ở đây không phải là vô tội, cho nên không có việc bồi thường oan” - ông Bình nói.

Vụ chị Yến chết trong trại giam còn để ngỏ

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn về vụ án chị Trần Thị Hải Yến ở Phú Yên bị chết khi bị tạm giam. Vụ này Chủ tịch nước đã chỉ đạo nhưng đã hơn hai năm vẫn chưa có kết quả.

Trả lời câu hỏi này, ông Bình dẫn dắt chị Hải Yến bị bắt giam về tội cố ý gây thương tích do có đánh nhau với hàng xóm. Tòa sơ thẩm xử chị Yến có tội và phạt hơn hai năm tù. Nhưng do có kháng cáo kêu oan nên tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại, làm rõ thêm một số nội dung. Trong quá trình chuẩn bị mở phiên tòa phúc thẩm, chị Yến chết trong trại tạm giam.

“Quá trình bị chết, tôi nói theo giám định của cơ quan giám định là tự sát. Không chịu với kết quả này, gia đình cũng như một số ý kiến đề nghị xem xét lại nguyên nhân chết của chị Yến trong trại tạm giam. VKS đã cử đoàn công tác tối cao họp liên ngành các cơ quan tố tụng của Phú Yên, có sự tham gia của tòa án, lãnh đạo Bộ Công an. Kết luận sẽ xem xét lại việc này để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước. Bộ Công an tiến hành điều tra lại cả hai nội dung, một là việc khởi tố chị Yến có đúng hay không, hai là nguyên nhân chết của chị Yến” - ông Bình nói.

“Hiện nay, Bộ Công an đang làm và VKS cũng đang theo dõi rất sát. Đã có nhiều yêu cầu điều tra đối với Bộ Công an. Về kết quả, bộ trưởng Bộ Công an sẽ thông tin thêm với QH” - ông Bình nói.

Tuy nhiên, hôm qua (16-11), bộ trưởng Bộ Công an vẫn chưa có dịp đăng đàn trả lời, vì vậy câu trả lời về vụ án này vẫn còn để ngỏ.

Diễn biến vụ chị Yến chết trong khi tạm giam

Tối 3-3-2012, gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng (hàng xóm của chị Yến) tổ chức hát karaoke. Cha mẹ chị Yến sang đề nghị ông Dũng tắt máy để làng xóm nghỉ thì hai bên cãi vã, ném gạch đá qua lại làm ông này bị thương với tỉ lệ thương tật 12%. Đến ngày 18-3-2013, TAND huyện Tuy An xử phạt chị Yến 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Ngày 1-7-2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Chị Yến vẫn tiếp tục bị VKSND huyện Tuy An gia hạn tạm giam ba tháng.

Đến chiều 7-10-2013, sau khi bị tống đạt quyết định gia hạn tạm giam thêm hai tháng, chị Yến đã chết trong buồng tạm giam. Công an huyện Tuy An kết luận chị Yến chết do treo cổ tự tử. Sau đó giữa VKSND và Công an tỉnh Phú Yên đã có những quan điểm chưa thống nhất về căn cứ tội cố ý gây thương tích của chị Yến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm