Việt Nam chủ trì hội nghị cấp cao về tương trợ tư pháp ASEAN

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 26 và 27-4-2018. Tham dự hội nghị lần này có các đoàn đại diện chính phủ 10 quốc gia ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký hiệp định. 

Việt Nam chủ trì hội nghị cấp cao về tương trợ tư pháp ASEAN

Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 8 về Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trưởng ban tổ chức hội nghị, đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện hiệp định nói riêng và trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN nói chung trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh các nước ASEAN đang nỗ lực củng cố, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai hiệp định những năm qua cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như việc quy định các biện pháp và vi phạm tương trợ tư pháp nêu trong hiệp định vẫn còn tương đối hẹp; tính hiệu lực của hiệp định chưa cao...

Cụ thể hơn, báo cáo của Việt Nam về thực thi hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN cho thấy việc quy định các biện pháp và phạm vi tương trợ tư pháp mới chủ yếu tập trung vào các hoạt động cung cấp chứng cứ, lấy lời khai, triệu tập nhân chứng, tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp.

Do vậy, khi cần liên kết, phối hợp điều tra (thành lập nhóm điều tra chung, gồm nhân viên của các quốc gia thành viên để cùng tiến hành điều tra vụ án) hoặc sử dụng phương tiện thông tin viễn thông để lấy lời khai người làm chứng, người bị hại (truyền hình trực tiếp)… thì rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam với phía nước ngoài nói chung và các nước ASEAN nói riêng thường chậm có kết quả nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án. Nguyên nhân là do các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam đã ký với các nước ASEAN, cũng như pháp luật Việt Nam và nội luật của một số nước chưa quy định thời hạn thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự.

Ngoài ra, trong một số yêu cầu tương trợ tư pháp mà Việt Nam nhận được, các tài liệu được dịch chưa đúng thuật ngữ pháp luật, chưa logic về ngữ pháp, gây khó hiểu cho cơ quan thụ lý vụ việc. Thông tin cơ bản về đối tượng (như tên tuổi, địa chỉ…) được cung cấp chưa đầy đủ hoặc không chính xác nên việc xác định đối tượng cụ thể rất mất thời gian, có trường hợp không xác định được.

Hội nghị lần này sẽ là cơ hội được thành viên đại diện của các quốc gia tham dự chia sẻ, trao đổi nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện hiệp định. Qua đó xác định được những khó khăn, vướng mắc và giải pháp hữu hiệu cho việc triển khai thực hiện hiệp định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm