VKS nêu nguyên tắc “tòa án xét xử công bằng” để kháng nghị

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xét xử giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy một phần bản án phúc thẩm để xét xử lại vụ án Lê Thị Ngọc Vân bị TAND TP.HCM tuyên án về tội đánh bạc.
Phúc thẩm sửa án sơ thẩm
Theo hồ sơ, khoảng đầu tháng 8-2019, tại xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Lê Thị Ngọc Vân bán nước giải khát, nhiều người đến uống nước và tự mang bài ra chơi bài cào ba lá tính điểm ăn tiền với nhau. Người nào thắng thì cho Vân 20.000-30.000 đồng, sau đó Vân chuẩn bị sẵn bài để đánh bạc.
Tối 18-8-2019, Lê Thị Ngọc Vân, Hồ Điệp, Nguyễn Lội, Châu Hoài Thanh, Trần Thành Nam, Lâm Văn Quí… cùng tham gia đánh bài ăn tiền tại quán của Vân.
Hình thức đánh bạc là sử dụng bộ bài tây 52 lá, trong đó một người làm cái, những người còn lại đặt tiền vào các tụ, mỗi tụ ít nhất 50.000 đồng. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi Lâm Văn Quí đang làm cái, các đối tượng khác tham gia đặt tụ thì bị công an bắt quả tang.
Tháng 1-2020, TAND huyện Bình Chánh xử phạt Lê Thị Ngọc Vân, Trần Thành Nam, Lâm Văn Quí mỗi bị cáo một năm tù; các bị cáo Nguyễn Lội, Hồ Điệp, Châu Hoài Thanh mỗi bị cáo chín tháng tù, cùng về tội đánh bạc. Ngoài ra, Vân còn bị phạt bổ sung 15 triệu đồng; Nam, Lội, Điệp, Quí mỗi bị cáo 10 triệu đồng.
Sau đó tất cả bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tháng 5-2020, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Lê Thị Ngọc Vân, Hồ Điệp, Nguyễn Lội, Châu Hoài Thanh và Lâm Văn Quí, không chấp nhận kháng cáo của Trần Thành Nam. Từ đó, tòa phạt Vân ba năm cải tạo không giam giữ và miễn khấu trừ thu nhập. Điệp, Thanh, Lội, Quí mỗi bị cáo bị phạt chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Chưa đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật
Tháng 11-2020, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM.
Theo kháng nghị, số tiền dùng để đánh bạc của các bị cáo là 6,6 triệu đồng. Vân có hành vi tham gia đánh bạc mà tổng số tiền dùng đánh bạc có giá trị trên 5 triệu đồng nhưng dưới 50 triệu đồng. Tòa cấp sơ thẩm xử phạt Vân một năm tù là có cơ sở.
Tuy nhiên, VKSND Cấp cao cho rằng tòa cấp phúc thẩm xử phạt Vân ba năm cải tạo không giam giữ là vi phạm nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật và tòa án xét xử công bằng, chưa phân hóa vai trò, trách nhiệm của bị cáo trong vụ án. Bởi lẽ hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nghiêm khắc hơn hình phạt cải tạo không giam giữ. Trong đó, án treo chỉ là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
Theo VKSND Cấp cao, bị cáo Vân cùng có hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như các bị cáo khác.
Thế nhưng tòa án cấp phúc thẩm lại chấp nhận kháng cáo, chuyển từ hình phạt tù sang hình phạt nhẹ hơn là cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Vân. Mặc dù với hành vi phạm tội của Vân có tính chất và mức độ nguy hiểm hơn các bị cáo khác nhưng các bị cáo này lại bị xử phạt chín tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Vân là người có tổ chức trong việc thực hiện tội phạm, là người chủ động chuẩn bị bài tây, cho các bị cáo khác mượn địa điểm, bàn ghế nơi mình kinh doanh để thực hiện việc phạm tội. Đồng thời bị cáo này cũng tham gia đánh bạc và có hành vi thu lợi bất chính từ việc thu tiền xâu của các con bạc khác.
Tuy hành vi này của bị cáo Vân chưa đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (quy định tại Điều 322 BLHS) nhưng xét về tính chất, mức độ nguy hiểm thì hành vi phạm tội của Vân cao hơn các bị cáo khác trong vụ án.
Với vai trò chủ mưu, đáng lẽ tòa phải áp dụng điểm c khoản 1 Điều 3 BLHS 2015 nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy… trong việc xử lý bị cáo Vân nhằm đảm bảo tính công bằng và răn đe.
Từ những phân tích trên, VKSND Cấp cao cho rằng tòa cấp phúc thẩm đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, chưa thể hiện được sự công bằng trong công tác xét xử, không phân hóa vai trò, trách nhiệm của bị cáo. Việc chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vân, xử phạt ba năm cải tạo không giam giữ là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Theo đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần bản án phúc thẩm về hình phạt đối với bị cáo Vân, giữ nguyên hình phạt đã tuyên đối với Vân tại bản án sơ thẩm.
Xử giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên chấp nhận kháng nghị, hủy một phần bản án phúc thẩm để xét xử lại như đã nói trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm