VKSND Cấp cao bác đơn 2 nông dân kêu oan tội 'nhận hối lộ'

Ngày 15-10, tin từ VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Văn Tùng thừa ủy quyền của viện trưởng VKSND Cấp cao đã ký văn bản gửi ông Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyễn Thành Nam (đều ngụ thôn Lò To, Hàm Cần, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) là hai nông dân bị kết án “nhận hối lộ”.
Theo đó, văn bản này cho biết VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận đơn của hai nông dân Tuấn và Nam kêu oan, đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm với bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận ngày 31-1-2018 kết án hai ông nhận hối lộ. Theo ông Tuấn và ông Nam, họ chỉ là nông dân, không phải là người có chức vụ, quyền hạn nên không phải là chủ thể của tội nhận hối lộ. Ngoài ra, số tiền mà người dân bồi dưỡng cho hai ông để làm hồ sơ vay vốn là tiền chi phí đi lại, xăng xe… và đây là tiền ngoài hợp đồng ủy nhiệm mà ngân hàng đã ký kết với hai ông.
Theo VKSND Cấp cao, về chủ thể của tội nhận hối lộ, căn cứ biên bản họp ngày 2-11-2011 của 23 thành viên thôn Lò To bầu ông Nam và ông Tuấn làm tổ trưởng và tổ phó tổ tiết kiệm vay vốn nông dân và đã được UBND xã Hàm Cần phê duyệt. Căn cứ vào hai hợp đồng ủy nhiệm vào năm 2013 giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Hàm Thuận Nam với hai ông về việc ủy nhiệm cho hai ông được thực hiện tổ chức và lập hồ sơ vay vốn cho các tổ viên và được ngân hàng chi trả hoa hồng. Căn cứ Điều 277 BLHS 1999, quy định khái niệm người có chức vụ, VKSND Cấp cao cho rằng ông Tuấn và ông Nam được dân bầu ra, được chính quyền xác nhận, được tổ chức pháp nhân ủy nhiệm và được hưởng phần công theo quy định của pháp luật. Do đó ông Tuấn và ông Nam là những người có chức vụ, là chủ thể của tội danh nhận hối lộ!
Về bản chất số tiền mà người dân đưa cho ông Tuấn và ông Nam, căn cứ lời khai của đại diện Ngân hàng CSXH thì “Theo quy định của ngân hàng, ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn chỉ được thu tiền của các tổ viên là thu lãi và thu tiền gửi tiết kiệm để ngân hàng chi % hoa hồng hằng tháng. Không được thu thêm bất cứ khoản chi phí nào khác để làm thủ tục vay”.
Ngoài ra căn cứ lời khai của những hộ dân thì người dân vay tiền không tự nguyện đưa mà do ông Tuấn và ông Nam gợi ý nên không thể nói là chi phí đi lại. Do đó hành vi trên của ông Tuấn và ông Nam đã phạm vào tội nhận hối lộ, thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần. Tòa án hai cấp ở Bình Thuận tuyên hai ông Nam và Tuấn phạm tội là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan. Do bản án phúc thẩm không vi phạm nên không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.

VKSND Cấp cao bác đơn 2 nông dân kêu oan tội 'nhận hối lộ' ảnh 1
Hai nông dân bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án nhận hối lộ tại phiên tòa phúc thẩm.

Đây là vụ án có rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Cụ thể các luật sư bảo vệ miễn phí cho hai nông dân đều khẳng định hành vi của ông Tuấn không cấu thành tội nhận hối lộ. Bởi những hộ dân có nhu cầu vay vốn, nhờ ông Tuấn làm giúp và hoàn tất các thủ tục vay nên được trả công và tiền xăng xe. Đây là quan hệ dân sự và việc bị cáo bỏ công, chi phí đi lại là có thực...

Đại diện UBND xã Hàm Cần cũng cho biết cả hai bị cáo không có quyền hạn, chức vụ gì và UBND xã không ra quyết định nào bổ nhiệm hai nông dân này phụ trách việc vay vốn. Vị đại diện UBND xã Hàm Cần khẳng định hai nông dân này là do người dân tự bầu lên và Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng với họ.

 

VKSND Cấp cao bác đơn 2 nông dân kêu oan tội 'nhận hối lộ' ảnh 2
Hai ông nông dân tại tòa.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 3-2015, công an huyện khởi tố, bắt tạm giam ông Tuấn và ông Nam về tội nhận hối lộ. Ba tháng sau, TAND huyện phạt ông Tuấn tám năm tù, ông Nam bảy năm tù.
Cáo trạng của VKSND huyện Hàm Thuận Nam quy kết trong hai năm 2013-2014, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Tuấn đã ép buộc những hộ dân cần vay 10-30 triệu đồng phải bồi dưỡng từ 200.000 đến 2 triệu đồng. Ông Tuấn đã nhận hối lộ của 12 hộ dân tổng cộng 16,5 triệu đồng.
Với ông Nam, VKS cho rằng mặc dù không trực tiếp đòi tiền hối lộ nhưng khi triệu tập các hộ dân đến họp bình xét cho vay vốn đã gợi ý các hộ dân phải “bồi dưỡng” cho ông Tuấn. Cạnh đó, ông Tuấn còn chia cho ông Nam hơn 1 triệu đồng từ việc nhận tiền “bồi dưỡng” nên ông Nam phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ.
Hai ông kháng cáo kêu oan và TAND tỉnh đã hủy án sơ thẩm. Ngày 9-8-2016, công an huyện ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ điều tra đối với hai ông theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Không đồng ý, hai ông yêu cầu được bồi thường, xin lỗi.
Bất ngờ tháng 11-2016, công an huyện ra quyết định phục hồi điều tra. Tháng 7-2017, TAND huyện xử sơ thẩm lần hai, tuyên hai ông có tội nhưng được miễn hình phạt tù và TAND tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm vào tháng 1-2018 tuyên y án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm