VKSND TP.HCM nói gì về việc trả hồ sơ quá nhiều?

Trả lời chất vấn tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM hôm nay, ông Đoàn Tạ Cửu Long, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, cho biết sáu tháng đầu năm VKS trả hồ sơ cho cơ quan điều tra 86 vụ, tòa trả cho VKS 231 vụ.

Nguyên nhân khiến án trả hồ sơ nhiều lần hay án tạm giam quá 12 tháng chưa đưa ra xét xử là do theo khi nghiên cứu hồ sơ, thẩm phán được trả hồ sơ hai lần. Còn khi đã mở phiên tòa, đưa vụ án ra xét xử thì HĐXX chỉ cần phát hiện có tình tiết mới hoặc có căn cứ để trả hồ sơ làm rõ thì không giới hạn số lần trả hồ sơ. Đặc biệt nhất là việc có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng khiến án bị trả tới lui nhiều lần, gây kéo dài việc giải quyết án.

Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Đoàn Tạ Cửu Long trả lời chất vấn của đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND TP.HCM.

Ông Long nêu điển hình như vụ án Đỗ Thị Luận bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm dẫn chứng cho vấn đề trả hồ sơ nhiều lần do khác quan điểm giữa các cơ quan tố tụng.

Vụ án này xảy ra từ trước năm 2010, khởi tố năm 2011. Qua nhiều lần xét xử và trả hồ sơ, đến nay vụ án vẫn đang giai đoạn điều tra bổ sung. Bà Luận bị cáo buộc lừa đảo khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đã xong thủ tục sang tên) cho một người, rồi sau đó lại chia lô để bán cho 18 người khác, chiếm đoạt 16 tỉ đồng của 18 người này. Tuy nhiên, tòa thì cho rằng các giao dịch trong vụ án này có lập hợp đồng mua bán, là các hợp đồng giả cách. Khi đã là hợp đồng giả cách thì hợp đồng sẽ vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó theo tòa, vụ án này là chỉ là các quan hệ dân sự.

Ban Pháp chế HĐND TP.HCM chất vấn VKSND TP.HCM về tình hình án trả hồ sơ kéo dài.

Tại buổi làm việc, bà Huỳnh Thị Hon, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, cũng cho biết hiện nay có tình trạng VKS kiến nghị nhưng tòa không trả lời. Cũng có tình trạng tòa thường xuyên gửi bản án chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, như có vụ nhận được bản án thì hết thời gian kháng nghị, VKSND TP.HCM phải kiến nghị VKSND Cấp cao xem xét kháng nghị.

Một vụ đấu lý chan chát của tòa và VKS

Vụ án Trần Quốc Thắng mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh xảy ra từ tháng 5-2013. Thắng bị truy tố tội cướp giật iPad của một người nước ngoài. Thắng kêu oan từ khi bị bắt đến nay.

Thắng được cho là bị bắt quả tang nhưng biên bản bắt người phạm tội quả tang lại được lập ở quận 4, dù vụ án xảy ra ở quận 1. TÒA cho rằng biên bản phạm tội quả tang vi phạm khoản 1 Điều 82 BLTTHS khi không giải ngay đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND gần nhất. Còn VKS thì có quan điểm rằng điều luật này không quy định rõ. Tuy nhiên, nếu lập biên bản tại quận 4 thì không có bị hại, tài sản bị chiếm đoạt để lập biên bản. Do vậy, đưa về quận 1 để lập biên bản là hợp lý.

Quá trình tố tụng, giữa VKSND TP.HCM và TAND TP.HCM đã có những quan điểm trái ngược trong đánh giá các chứng cứ liên quan vụ án khiến hồ sơ vụ án bị trả về điều tra bổ sung rất nhiều lần. Trong khi tòa cho rằng truy tố một con người thì chứng cứ phải hợp pháp, xác thực, khách quan, toàn diện... thì VKS lưu ý tòa về tình hình cướp giật đang gia tăng, tòa nên xử sớm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm