Vô ý làm chết người, có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Cụ thể, khoản 3 điều 29 quy định: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS)”. Với quy định này thì kể cả trường hợp vô ý làm chết người cũng có thể được miễn TNHS. Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là luật dùng từ “có thể”, nghĩa là có miễn TNHS hay không thì tùy thuộc vào sự xem xét của cơ quan tố tụng.

Tiến sĩ Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) tại hội nghị. Ảnh: L.TRINH

Một điểm mới khác, theo TS Tuấn là BLHS 2015 không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS đối với người phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đặc biệt nghiêm trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống tham nhũng.

Hướng đến lợi ích chính đáng của người bị kết án, thời hạn để xóa án tích được rút ngắn so với quy định hiện hành: Thời điểm xóa án tích tính từ khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính (quy định hiện hành là từ khi chấp hành xong bản án) hoặc từ khi bản án hết thời hiệu thi hành. BLHS 2015 cũng bỏ quy định tòa cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người đương nhiên được xóa án tích. Thay vào đó, luật quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải cập nhật thông tin về tình hình của người bị kết án và cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích nếu có đủ điều kiện.

Đặc biệt, về cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Điều 175 BLHS 2015 quy định người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả. Theo TS Tuấn, với các quan hệ dân sự thông thường, chỉ cần đến thời hạn trả nợ mà không trả dù có điều kiện thì có thể sẽ dễ dàng bị khởi tố.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền tài phán của quốc gia đối với hành vi phạm tội xảy ra ngoài lãnh thổ nhưng xâm hại đến lợi ích của công dân, tổ chức hoặc Nhà nước Việt Nam, BLHS 2015 bổ sung quy định về hiệu lực đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm