Vụ 2 giám đốc bị oan: Công ty Chef Meat nói gì?

Liên quan vụ việc hai giám đốc bị oan tại Đà Nẵng dẫn tới mất cả công ty, ngày 17-4, Pháp luật TP.HCM đã liên hệ Công ty CP Chef Meat Việt Nam (quận Sơn Trà, Đà Nẵng, nơi mà công an, VKSND TP Đà Nẵng cho rằng bị hai giám đốc lừa đảo chiếm đoạt tài sản) để tìm hiểu vụ việc.

Tiếp chúng tôi tại văn phòng công ty, ông Takkan Imura (người Nhật Bản, Quản lý phân xưởng Công ty Chef Meat) tỏ ra bất ngờ khi vụ việc trở nên nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận và báo chí phải vào cuộc.

Công ty CP Chef Meat Việt Nam. Ảnh: TẤN VIỆT

Để hiểu thêm về quan điểm của Công ty Chef Meat, PV gợi lại chuyện công ty này nhận vợ ông Phan Thanh Trà (Giám đốc Công ty TNHH TM&KT Phan Ngọc Lê) vào làm việc khi ông Trà đang bị Cơ quan An ninh điều tra - PA92 Công an TP Đà Nẵng điều tra.

Ông Imura xác nhận có chuyện nhận vợ ông Trà vào làm việc. “Lúc đó cũng thấy hoàn cảnh vợ chồng ông Trà tội nghiệp. Ông Trà thi công hạng mục kho lạnh và hệ thống lạnh của nhà máy. Đơn vị anh Trà khi có sự cố thì đều tới xử lý giúp cho nhà máy. Anh Trà làm việc ổn, gọi là tới liền. Khi xảy ra vấn đề thì có nhận vợ anh Trà vào làm việc” - ông Imura nói.

Chứng minh thêm mối quan hệ giữa Công ty Chef Meat và ông Trà, ông Imura cho hay khi nhận vợ ông Trà vào làm thì công ty tạo điều kiện hết sức để chị làm việc. “Trong lúc anh Trà bị như thế, gia đình đang có con nhỏ. Nhận vào thì có vấn đề gì chị đều có thể chạy về lo cho gia đình, con cái” - ông Imura nói.

Về đơn tố cáo gửi đến PA92 Đà Nẵng, ông Imura cho hay công ty có gửi đơn cho công an đề nghị kiểm tra việc thi công máy móc thế nào mà hay hư hỏng. Lá đơn do ông Kamogari Yamato (Tổng Giám đốc Công ty CP Chef Meat) soạn thảo, ký gửi.

Ngoài ra, sau khi hoàn thành nhà máy ông Imura mới qua làm việc nên không biết cụ thể lúc xây dựng, lắp đặt máy móc trong phân xưởng như thế nào.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, trước đó, ông Trà đã chủ động làm việc với Công ty Chef Meat để thương lượng sửa sai và khắc phục đền bù (việc thay máy mới của Trung Quốc thành máy cũ của Nhật Bản).

Trong điều khoản hợp đồng này có nêu rõ bất kỳ trường hợp tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết trên tinh thần thương lượng, hòa giải.

Nếu thương lượng, hòa giải không thành, tranh chấp sẽ được đưa ra giải quyết tại TAND có thẩm quyền tại Đà Nẵng giải quyết.

Ngoài căn cứ vào Điều 14 Luật Đầu tư, tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm