Vụ bắt cô gái do đụng ô tô: Tạm giam sai luật!

Trong vụ án tai nạn giao thông của nữ công nhân 23 tuổi Thạch Thị Bé Trúc ở Củ Chi (TP.HCM), theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi khởi tố Trúc về tội vi phạm về quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (tháng 8-2015), Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi cho Trúc tại ngoại điều tra và cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau khi CQĐT có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang VKSND huyện Củ Chi đề nghị truy tố, Trúc vẫn được cho tại ngoại.

Thạch Thị Bé Trúc (trái) cùng hai con nhỏ khi còn được tại ngoại. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Tuy nhiên, sau khi VKSND huyện có cáo trạng truy tố (tháng 2-2016), Trúc bất ngờ bị bắt tạm giam vào ngày 27-3-2016. Vào thời điểm Trúc bị tạm giam, đứa con nhỏ thứ hai của Trúc chưa đầy ba tuổi (cháu sinh ngày 25-6-2013).

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Thân Trung Đại (Đoàn Luật sư TP.HCM, người nhận lời bào chữa miễn phí cho Trúc) khẳng định việc cơ quan tố tụng tạm giam Trúc là sai luật.
Bởi lẽ theo khoản 2 Điều 88 BLTTHS hiện hành, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây: Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Ở đây Trúc không bỏ trốn và bị truy nã. Trúc không tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc xét xử. Trúc cũng không phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Như vậy, việc tạm giam đối với Trúc trong trường hợp này là không đúng quy định trên.
Luật sư Đại cũng cho biết sau khi được cơ quan tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa (ông đã đến TAND huyện Củ Chi làm thủ tục tham gia tố tụng chiều 3-1), việc đầu tiên mà ông sẽ làm là đề nghị cơ quan tố tụng cho Trúc được tại ngoại để về chăm sóc con nhỏ và đoàn tụ với gia đình khi ngày tết truyền thống của dân tộc đã cận kề.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Củ Chi, tài xế ô tô Huỳnh Nhật Hoài “có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái”. Trúc điều khiển xe máy “không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ, có lỗi chính là gây tai nạn làm chết một người”.

Ngoài việc kết luận về lỗi phụ của tài xế Hoài và lỗi chính của Trúc, cáo trạng không nêu ra được bất cứ một chứng cứ nào chứng minh cho kết luận trên như các dấu vết va chạm ở hiện trường tai nạn, vết phanh, dấu vết va chạm trên xe máy và ô tô, tốc độ mỗi xe vào thời điểm va chạm, kết luận giám định về nguyên nhân tai nạn, lời khai của nhân chứng...

Ngoài năm sinh 1979 thì cáo trạng không nêu thông tin nào khác về nhân thân tài xế Hoài, cũng không đề cập chủ chiếc ô tô là ai. Tại phiên tòa sơ thẩm, Trúc khẳng định người lái chiếc ô tô lúc va chạm không phải là ông Hoài này mà là một người đàn ông tên Tùng. Ô tô chạy qua ngã tư với tốc độ rất cao và không mở đèn. Những tình tiết này đều không được CQĐT, VKS ghi nhận trong hồ sơ. Mẹ của nạn nhân cũng khai sau lúc xảy ra tai nạn, có một người đàn ông tên Tùng đã đến bệnh viện thăm hỏi gia đình. Ông Tùng thừa nhận với gia đình bà rằng chính ông là người lái xe, cũng là chủ chiếc ô tô...

Về các nhân chứng, tại phiên tòa, Trúc khai trên ô tô lúc xảy ra tai nạn có năm người. Tuy nhiên, cáo trạng lại không đề cập tới một nhân chứng nào, từ những người ngồi trên ô tô đến những người dân ở hiện trường tai nạn. Đây chính là một trong các lý do mà tòa trả hồ sơ yêu cầu bổ sung nhưng đến nay CQĐT, VKS vẫn không đáp ứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm