Vụ bắt phó chánh án: Tranh cãi thẩm quyền điều tra

Công an quận 1, TP.HCM vừa tiến hành thực nghiệm điều tra hiện trường vụ án xâm phạm chỗ ở của người khác tại nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1.

Được biết động thái trên của công an quận là nhằm hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển lên Công an TP.HCM tiếp tục điều tra. 

Điều này dẫn đến tranh cãi về thẩm quyền điều tra, truy tố xét xử vụ án khi bị can là ông Nguyễn Hải Nam (phó chánh án TAND quận 4). Trước đó, ông Nam bị Công an quận 1 khởi tố, bắt tạm giam ba tháng để điều tra hành vi trên theo khoản 2 Điều 158 BLHS. Tương tự, bị can Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) cũng bị khởi tố, bắt giam.

Công an quận 1 giao các văn bản tố tụng cho ông Nguyễn Hải Nam ký. Ảnh: CTV

Luật sư Vũ Phi Long (Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TP.HCM) cho biết điểm c khoản 2 Điều 268 BLTTHS 2015 quy định thẩm quyền xét xử của tòa án tỉnh như sau: Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện và TAQS khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Vụ án mà bị cáo là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người. 

Theo đó, vụ án nếu có các bước tiếp theo thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuôc tòa án cấp tỉnh, cụ thể ở đây là TAND TP.HCM.

 Clip: Công an quận 1 thực nghiệm hiện trường chiều 4-10 - HOÀNG YẾN

Việc CQĐT Công an quận 1 có quyền khởi tố, bắt tạm giam ông Nam và ông Tùng chỉ là bước tiền tố tụng. Sau đó, Công an quận 1 sẽ chuyển hồ sơ vụ án lên Công an TP.HCM hoặc sang VKS để tiến hành tố tụng theo đúng thẩm quyền luật định. Lúc này, căn cứ theo điều luật đã dẫn VKSND TP.HCM sẽ là cơ quan quyết định truy tố hay không truy tố... và chuyển hồ sơ qua tòa án cùng cấp nếu truy tố..

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại cho là CQĐT cấp quận, huyện không thẩm quyền điều tra vụ án mà bị can là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Vấn đề đặt ra là nếu không có thẩm quyền mà tiến hành các hoạt động tố tụng thì có trái pháp luật không và CQĐT VKSND Tối cao có thẩm quyền điều tra các vi phạm trong hoạt động này không?
Cụ thể, khoản 1, 2 Điều 21 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan CSĐT cấp huyện.

1. Tổ chức công tác trực ban hình sự, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; phân loại và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

2. Tiến hành điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND Tối cao và Cơ quan ANĐT của Công an nhân dân.

Và theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực được quy định cụ thể như sau:

1. TAND cấp huyện (và TAQS khu vực) xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm, và các trường hợp sau:

a) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

b) Các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật hình sự;

d) Các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

đ) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;

e) Vụ án hình sự có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.

2. TAND cấp tỉnh (và TAQS cấp quân khu) xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm