Vụ Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Lời sau cùng, nhiều bị cáo ăn năn, đau xót

Sáng 1-12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 36 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho phép các bị cáo nói lời sau cùng, trước khi vào nghị án.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, cựu phó tổng giám đốc VEC

Là người đầu tiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng (cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC) gửi lời cảm ơn đến HĐXX, đại diện VKS đã cho mình được trình bày trong suốt những ngày xét xử vừa qua.

“Chúng tôi sinh ra, lựa chọn nghề xây dựng cầu đường, ban đầu có thể do mưu sinh, nhưng đến nay đã trải qua rất nhiều cương vị công tác, lãnh đạo suốt 25 năm thì đó không còn là mưu sinh mà là yêu nghề” – cựu phó tổng VEC nói. Ông cho biết “luôn sẵn sàng xách ba lô đến những vùng đất mới, xây dựng những cây cầu, con đường mới để đóng góp vào sự phát triển đất nước”.

Bị cáo khẳng định rất đau xót khi sự việc xảy ra tại tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, cũng là dự án mà các bị cáo rất tự hào, rất hân hoan khi đưa vào sử dụng. Đây cũng là tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tiên của khu vực miền Trung.

“Sự việc ngoài ý muốn, chúng tôi đã làm hết khả năng, rất nấy làm ăn năn, hối lỗi” – bị cáo nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Hùng, tại phiên tòa, bị cáo và các luật sư bào chữa đã nói rõ sự thật, làm rõ các tình tiết vụ án, nhận thức rõ hành vi và trách nhiệm của mình, do vậy mong HĐXX có một phán quyết công bằng, công tâm, ghi nhận sự ăn năn hối lỗi của toàn bộ 36 bị cáo.

“Chúng tôi đều không có động cơ, mục đích vụ lợi, rất mong được áp dụng các tình tiết để hưởng mức án nhẹ nhất” – bị cáo kết thúc lời sau cùng.

Là người tiếp theo, ông Lê Quang Hào (cựu phó tổng giám đốc VEC) cũng nói vụ án này là sự đau xót của bản thân và gia đình. Ông Hào cho hay luôn chăm chỉ nghiên cứu các kiến thức chuyên môn, mong muốn hiện đại hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia. Ở dự án này, bị cáo vô tình phạm tội vì kiến thức còn nông cạn.

“Bị cáo luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, sớm đưa tuyến đường vào thông xe để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình, nuôi dạy con cái” – bị cáo nói, đồng thời xin giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo khác, bởi họ đều là người có nhiều năm đóng góp cho ngành giao thông.

Các bị cáo trong vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Trong khi đó, ông Hoàng Việt Hưng (cựu giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) nói rằng từ lúc khởi tố vụ án đến nay, bị cáo hết sức thấm thía về hành vi sai phạm của mình, đã truyền đạt cho những người khác để rút kinh nghiệm về sau, không vi phạm tương tự. Bị cáo mong HĐXX xem xét lượng hình, gửi lời cảm ơn đến bạn bè, người thân đã động viên thời gian qua.

Nhiều bị cáo khác khi đứng trước bục khai báo cũng đều bày tỏ sự ăn năn, đau xót khi để xảy ra sai phạm tại tuyến cao tốc. Một số cho hay “chưa bao giờ nghĩ sẽ phải đứng trước tòa như ngày hôm nay, đây là bước ngoặt trong cuộc đời”. Đến nay, các bị cáo đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân, mong HĐXX xem xét để có một bản án khoan hồng.

Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt ông Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào lần lượt 7-8 và 6-7 năm tù về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng tội danh, các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 10 năm tù.

Ngoài trách nhiệm hình sự, đại diện VKS đề nghị buộc các nhà thầu phải bồi thường cho VEC số tiền hơn 811 tỉ đồng, dành quyền khởi kiện bồi thường cho các nhà thầu trong vụ án khác.

Theo VKS, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139 km, từ TP Đà Nẵng đến TP Quảng Ngãi. Tháng 8-2017, dự án hoàn thành thông xe giai đoạn 1. Tuy nhiên, dù mới được đưa vào sử dụng, đoạn đường 65km đã có rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết luận giám định cho thấy chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với tất cả bảy gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 đều không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.

VKS xác định thiệt hại của vụ án là số tiền hơn 811 tỉ đồng. Đây là giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng tại các gói thầu nhưng vẫn được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nghiệm thu, thanh toán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm