Vụ đánh người đến tàn tật: Hủy quyết định khởi tố là thiếu căn cứ!

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 26-5 có bài phản ánh chuyện Lê Nhật Long - một chàng trai 18 tuổi bị Trương Quốc Nam (34 tuổi) dùng cây gỗ đánh chấn thương sọ não gây động kinh, liệt nửa người bên trái, mắt bị lé, giãn đồng tử. Nam đã thừa nhận hành vi dùng cây gỗ đánh người, chủ động bồi thường 37 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Sau đó cơ quan điều tra (CQĐT) Công an thị xã La Gi (Bình Thuận) đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nam nhưng VKS thị xã lại hủy bỏ, đồng thời yêu cầu CQĐT đình chỉ các hoạt động tố tụng đối với Nam. Theo VKS, không có căn cứ xác định chấn thương vùng đầu của Long là do Nam cầm cây gỗ tròn đánh gây ra.

Vụ án còn nhiều chứng cứ khác

Không cần phải bàn nhiều, ai cũng thấy quyết định của VKS có điều không bình thường. Không hiểu VKS căn cứ vào đâu lại tin vào lời khai vô lý của Nam là trước khi bị Nam đánh, Long có lấy xe máy chạy đi đâu đó và tự té gây thương tích. Tại sao VKS lại không đặt câu hỏi rằng nếu nạn nhân bị té xe thì té xe ở đâu, ai biết, nạn nhân có đội mũ bảo hiểm không… Trong khi CQĐT đã phải mất công đi xác minh nhưng hoàn toàn không có cơ sở nào cho thấy trước khi bị Nam đánh, nạn nhân đã bị té xe cả.

Mặt khác, chỉ vì một vài sơ suất như CQĐT không thu giữ được cây gỗ tang vật mà Nam dùng để đánh nạn nhân và kết luận giám định cho thấy vết thương trên đỉnh đầu của Long không để lại dấu vết gì mà VKS đình chỉ hẳn vụ án để cho Nam thoát tội là quá vô lý.

Nạn nhân Lê Văn Long (ảnh 1) và bản ảnh giám định pháp y của nạn nhân (ảnh 2). Ảnh: P.NAM

Hung khí chỉ là một trong các nguồn chứng cứ chứ không phải là chứng cứ duy nhất để kết tội hay gỡ tội cho bị can. Thực tế, không phải trong vụ án hình sự nào CQĐT cũng thu được hung khí. Nếu kết luận giám định pháp y mô tả các vết thương không phù hợp với hung khí và lời khai của bị can thì hung khí mới là nguồn chứng cứ quan trọng để đánh giá. Ví dụ: A khai dùng dao đâm vào vai nạn nhân nhưng vết thương của nạn nhân lại bị bầm tím chứ không phải sắc gọn thì lúc đó hãy nghĩ đến việc thu giữ hung khí là quan trọng.

Ở đây, nạn nhân bị tụ máu màng cứng, chấn thương sọ não. Sau hai tháng điều trị tại bệnh viện, nạn nhân mới được đưa đi giám định nên theo Trung tâm Giám định pháp y thì lúc này đầu nạn nhân đã không còn dấu vết gì. CQĐT đã phải yêu cầu Trung tâm Giám định pháp y giải thích về cơ chế vết thương trên đỉnh đầu của nạn nhân và được trả lời rằng vật tác động có bản rộng, dài, do diện tích tiếp xúc lớn nên không gây ra vết thương bên ngoài nhưng nạn nhân vẫn bị tụ máu, chấn thương sọ não.

Về mặt y học, có chuyên gia đã khẳng định việc bệnh chân bị tụ máu màng cứng nhưng xương sọ không có biểu hiện lún, nứt là chuyện thường gặp. Cây gỗ tròn hoặc cây gỗ bản rộng đánh trúng xương sọ đều có thể tác động làm mạch máu bên trong bị vỡ ra dù bên ngoài không để lại dấu vết gì nhiều. Vậy tại sao VKS không yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định lại ở một tổ chức giám định cấp trung ương để làm rõ mâu thuẫn này mà lại vội vàng đình chỉ ngay vụ án?

VKS tỉnh cần vào cuộc

Khi kiểm sát điều tra, VKS có quyền nghi ngờ kết quả điều tra của CQĐT, thậm chí yêu cầu CQĐT hoặc tự mình xác minh những tình tiết của vụ án để tìm ra sự thật. Nhưng mọi sự nghi ngờ phải xuất phát từ thực tế khách quan và theo quy định của pháp luật chứ không phải chỉ vì kết luận giám định không xác định rõ vật gây ra vết thương mà VKS được đình chỉ mọi hoạt động tố tụng, khi vụ án còn có nhiều chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của nghi can.

Một chàng trai đã bị đánh tàn phế suốt đời, bị động kinh, liệt nửa người bên trái, mắt bị lé, giãn đồng tử, có tỉ lệ thương tật là 59%. Gia đình nạn nhân đã phải thế chấp nhà vay tiền chữa trị cho con. Bản thân Nam cũng đã thừa nhận dùng cây gỗ tròn đánh nạn nhân và đã chủ động mang 37 triệu đồng đến gia đình nạn nhân để bồi thường, thể hiện sự ăn năn, hối hận về việc làm của mình. Vậy mà VKS thị xã La Gi lại quá dễ dàng ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, yêu cầu CQĐT Công an thị xã La Gi đình chỉ các hoạt động tố tụng đối với Nam. Đánh giá chứng cứ như vậy đã toàn diện, đã đầy đủ chưa hay còn vì điều gì nữa?

Theo tôi, vấn đề này chỉ có VKS tỉnh Bình Thuận - cơ quan cấp trên trực tiếp của VKS thị xã La Gi - mới trả lời được.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

CQĐT đã báo cáo vụ án lên công an tỉnh

Ngày 26-5, Thượng tá Vũ Xuân Tiếu (Phó Trưởng Công an thị xã La Gi) cho biết vừa có báo cáo gửi CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận về vụ án này. Theo Thượng tá Tiếu, hồ sơ vụ này CQĐT Công an thị xã La Gi làm rất chặt chẽ, kể cả việc có văn bản đề nghị Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Bình Thuận giải thích cơ chế vết thương khiến nạn nhân Long bị chấn thương sọ não. “Do quan điểm hai ngành không thống nhất, cụ thể CQĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nam về tội cố ý gây thương tích nhưng VKS hủy bỏ, yêu cầu CQĐT đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với Nam nên cần phải có báo cáo và gửi hồ sơ lên CQĐT Công an tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo” - Thượng tá Tiếu nói.

Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Thật (Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận) cho biết sau khi nhận được báo cáo của Công an thị xã La Gi, công an tỉnh sẽ làm việc với lãnh đạo VKS tỉnh về vụ án này.

Cũng trong chiều 26-5, tại cuộc họp giao ban khối nội chính hằng tháng, ông Hoàng Hữu Như (Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận) đã thông báo nội dung vụ án và yêu cầu các ngành liên quan có ý kiến. Một lãnh đạo VKS tỉnh có mặt tại cuộc họp cho biết sẽ có văn bản yêu cầu VKS thị xã La Gi báo cáo vụ việc này và sẽ có văn bản trả lời với Ban Nội chính Tỉnh ủy.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm