Vụ đoàn cưỡng chế bị tấn công: Tổng cục Thi hành án lên tiếng

Theo Tổng cục THADS, lãnh đạo cơ quan này đã cử lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ đi thăm hỏi động viên đối với chấp hành viên và những người bị thương, đồng thời trao đổi với các cơ quan có liên quan để giải quyết vụ việc.
Một công an viên bị bỏng độ 2
Theo đó, hiện có một cán bộ công an bị bỏng độ 2 (người bị nặng nhất), ba thành viên trong đoàn cưỡng chế bị người phải THA là Phạm Hoàng Kiếm dùng mã tấu chém. Con trai và con rể ông Kiếm hất xăng vào đoàn cưỡng chế đã bỏ trốn. Hiện công an đang tạm giam bốn người gồm vợ chồng ông Kiếm, anh vợ và con gái ông Kiếm. Tuy nhiên, do con gái ông Kiếm đang có con nhỏ nên được tại ngoại.
Bản án sơ thẩm vào tháng 7-2018 của TAND huyện Cái Nước tuyên: “Buộc ông Phạm Hoàng Kiếm, bà Lê Thị Hiến phải tháo dỡ toàn bộ căn nhà và các công trình kiến trúc trên đất trả lại cho ông Nguyễn Văn Việt, bà Quách Tuyết Hồng phần đất với tổng diện tích đất là 67,5 m2 tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau...”.
Sau khi bản án có hiệu lực, theo yêu cầu của người được THA, tháng 8-2018, Chi cục THADS huyện Cái Nước đã ra quyết định THA.
Quá trình tổ chức, chấp hành viên đã nhiều lần thông báo, làm việc, yêu cầu ông Kiếm tự nguyện thi hành bản án. Tuy nhiên, ông Kiếm không tự nguyện THA nên chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế.
Trước khi tổ chức cưỡng chế, cơ quan THADS huyện Cái Nước phối hợp với UBND xã Thạnh Phú đã sắp xếp cho ông Kiếm cùng gia đình mượn một phần đất (trên 3.000 m2) có sẵn một căn nhà để ổn định cuộc sống. Cạnh đó, cơ quan chức năng còn động viên người được THA hỗ trợ 40 triệu đồng cho ông Kiếm để di dời (nếu tự nguyện).
Sáng 7-8, hội đồng cưỡng chế tiến hành các thủ tục cưỡng chế thì ông Kiếm và bà Hiến cùng người thân chống đối quyết liệt. Đỉnh điểm, phía ông Kiếm dùng xăng tạt vào lực lượng tham gia cưỡng chế, châm lửa và dùng hung khí để chống đối khiến 12 cán bộ bị thương.
Công an đã tạm giữ được năm người có hành vi chống đối người thi hành công vụ, còn hai người trốn thoát.
Sau khi hoàn tất các thủ tục khám nghiệm hiện trường, Chi cục THADS huyện Cái Nước phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể để chuyển giao quyền sử dụng đất cho người được THA.
Cũng theo Tổng cục THADS, trong thời gian qua, một số địa phương xảy ra tình trạng chống đối việc cưỡng chế thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án như ở Thái Nguyên, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, Bình Phước…

Vụ đoàn cưỡng chế bị tấn công: Tổng cục Thi hành án lên tiếng ảnh 1
Hiện trường vụ dùng xăng tấn công đoàn cưỡng chế ở Cái Nước, Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Làm gì để không trở thành tội phạm?
TS-luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Căn cứ theo quy định tại Điều 325, Điều 326, Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trường hợp người dân không đồng ý với nội dung bản án hoặc bản án có nội dung vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, đương sự có thể kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Khi người có thẩm quyền có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì sẽ ban hành thông báo tạm đình chỉ THA. Theo đó, việc THA sẽ được tạm đình chỉ đến khi lý do tạm đình chỉ không còn.
Ngoài ra, trong giai đoạn THA, người phải THA có thể căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật THADS 2008 để tiến hành yêu cầu hoãn THA nếu thuộc các trường hợp được hoãn THA.
TS Trạch nhấn mạnh: “Người dân nên tuân thủ các quy định pháp luật để tiến hành bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cho dù đã THA theo quyết định cưỡng chế và khi có quyết định giám đốc thẩm của tòa án cấp có thẩm quyền tuyên có lợi cho người bị THA thì quyền và nghĩa vụ của người bị THA vẫn được bảo đảm thông qua việc bồi thường thiệt hại của cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật”.
Do đó, người dân đặc biệt không được tự ý thực hiện các hành vi trái pháp luật, tiến hành chống đối người thi hành công vụ trong việc cưỡng chế THA. Tùy theo mức độ và hành vi vi phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ, tội cố ý gây thương tích…
Giảng viên Hồ Quân Chính (Học viện Tư pháp, nguyên Phó Trưởng Phòng nghiệp vụ 1, Cục THADS TP.HCM) cho biết: Điều 106 của Hiến pháp 2013 quy định bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đồng thời Luật THADS quy định hết thời gian tự nguyện thi hành mà người phải THA không thi hành thì bị cưỡng chế theo quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế quá trình tổ chức THA vẫn có những trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu tài sản bị cưỡng chế THA của người phải THA với người khác. Trường hợp này, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, đương sự và những người có tranh chấp cần phải thực hiện theo hướng dẫn của chấp hành viên.
Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THADS, khi có tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại tòa hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu đương sự thực hiện đúng theo hướng dẫn của chấp hành viên, khởi kiện ra tòa thì cơ quan THA sẽ căn cứ vào Điều 48 Luật THADS để hoãn THA, chờ quyết định của tòa, sau đó mới tổ chức thi hành.
TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng Khoa luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM) lên án hành vi dùng xăng, mã tấu tấn công đoàn cưỡng chế. TS Tiến cho rằng người dân phải thật bình tĩnh, không được có hành động vi phạm pháp luật. Bởi việc tấn công vào đoàn cưỡng chế không giải quyết được bức xúc mà còn làm cho vụ việc thêm trầm trọng. Chẳng hạn như người tấn công sẽ vướng vào vòng lao lý, phải bồi thường thiệt hại, còn người bị tấn công sẽ bị thương tật… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm