Vụ đuổi cả gia đình khỏi nhà ở Phú Quốc: Phải khởi kiện ra tòa

Như PLO đã thông tin ngày 8-4, ông Trần Văn Sáng (ngụ ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) bị một nhóm khoảng 20 người đến khiêng đồ, đuổi cả gia đình ông Sáng ra, nhưng công an xã Dương Tơ đến nơi chỉ để giữ trật tự, không có biện pháp can thiệp.

Đại tá Lê Văn Mót, Trưởng Công an huyện Phú Quốc xác nhận sự việc trên và cho biết đang chỉ đạo điều tra, làm rõ, nhiều khả năng liên quan đến nợ nần. Theo ông Mót, nhóm người dọn đồ của ông Sáng có UBND xã lập biên bản với nội dung trong 10 ngày ông Sáng đồng ý dọn đồ, giao nhà cho người khác. Công an xã đến xem, giữ trật tự mà không cản ngăn cũng vì biết rõ sự vụ có thỏa thuận bằng biên bản nói trên.

Tuy nhiên các chuyên gia pháp lý cho rằng hành xử như trên là sai.

Luật sư (LS) Huỳnh Kim Ngân (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, nếu có việc hai bên thỏa thuận “giao nhà cấn trừ nợ” mà thỏa thuận này hoàn toàn tự nguyện thì đây là một giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 116 BLDS, theo đó sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Anh Sáng trước đống đồ đạc bị nhóm người dọn ra ngày 8-4. Ảnh: Trần Vũ

Tuy nhiên, đây là giao dịch dân sự liên quan đến nhà ở thì theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 10 Luật Nhà ở thì chủ sở hữu có các quyền: “Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở”.

Do đó, khi đối chiếu với giao dịch dân sự có nội dung “giao nhà cấn trừ nợ” thì đây là: “Một giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau” theo quy định tại Điều 121 BLDS.

Nếu một trong các bên không tự nguyện thực hiện, thì bắt buộc phải khởi kiện ra tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Khi đó, tùy trường hợp xác định giao dịch dân sự này vô hiệu hay không vô hiệu để xác định nghĩa vụ của các bên. “Không ai có quyền tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự khi chưa có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.” – LS Ngân nhấn mạnh.

Đồng tình, LS Phạm Bính Khiêm (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng thỏa thuận giao nhà cấn nợ giữa hai bên lập tại UBND xã có giá trị vì đây là việc dân sự nên hai bên có thể thỏa thuận. Nhưng nếu nhà đất chưa sang tên thì UBND xã nên hướng dẫn các bên đến cơ quan có thẩm quyền để ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất theo quy định của pháp luật.

Như vậy, thỏa thuận “giao nhà cấn trừ nợ” là một giao dịch dân sự có giá trị theo ý chí của hai bên, nhưng nếu hai bên tự nguyện thực hiện thỏa thuận này bằng cách thay đổi bằng một thỏa thuận khác như mua bán, cho tặng nhà ở ... nhằm mục đích cấn trừ nợ thì giao dịch dân sự hoàn thành theo quy định pháp luật.

Theo LS Khiêm, nếu có tranh chấp phát sinh khi bên nợ không thực hiện thỏa thuận thì bên chủ nợ có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để giải quyết vụ việc. Khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật thì người được thi hành án có thể yêu cầu Cơ quan thi hành án hoặc thừa phát lại thi hành bản án, quyết định đó.

Người có nghĩa vụ thi hành nhưng không tự nguyện thi hành trong thời hạn luật định thì sẽ bị cưỡng chế thi hành. Chỉ có cơ quan thi hành án mới có thể thực hiện việc cưỡng chế thi hành án. Cá nhân không được quyền tự ý dọn đồ của người khác ra khỏi nhà để lấy nhà, việc này là vi phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm