Vụ Eximbank: Các bị cáo nói làm theo chỉ đạo

Ngày 22-11, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm các bị cáo Hồ Ngọc Thủy, Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Trần Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thị Thi, Cao Lan Phương và Lương Quốc Anh (cùng là nhân viên Eximbank Chi nhánh TP.HCM) về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179 BLHS 2015).

Phó giám đốc chi nhánh chiếm đoạt hơn 264 tỉ đồng

Trong buổi sáng, HĐXX tiến hành xong thủ tục bắt đầu phiên tòa và VKS đã công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 1-2012 đến tháng 3-2017, Lê Nguyễn Hưng (SN 1971, nguyên phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM) đã giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê; lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong. Việc này nhằm rút tiền của Eximbank Chi nhánh TP.HCM liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quý.

Đồng thời, Hưng gian dối để tạo sự tin tưởng cho các nhân viên là các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương, Anh (những người có trách nhiệm trong việc lập giấy ủy quyền, lập chứng từ rút tiền và chi tiền mặt...), tạo điều kiện cho Hưng chiếm đoạt của Eximbank Chi nhánh TP.HCM tổng cộng hơn 264 tỉ đồng. Số tiền này liên quan đến 13 sổ tiết kiệm: 11 sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, một sổ tiết kiệm của bà Phùng Thị Phẩm và một sổ tiết kiệm của bà Lê Thị Minh Quý.

Các bị cáo Thủy, Thi, Trâm, Lan, Phương, Anh đã tin tưởng Hưng mà thiếu trách nhiệm khi thực hiện không đúng các quy định trên, tạo điều kiện cho Hưng lợi dụng rút tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống Eximbank.

VKS kết luận hành vi của Hưng đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS 1999. Do Hưng bỏ trốn, cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã. Ngày 28-6-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) đã ra quyết định tách vụ án và quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Hưng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Y.CHÂU

Chỉ làm theo chỉ đạo?

Tại tòa, bị cáo Thủy khai tiếp nhận hồ sơ từ Hưng mà không gặp người ủy quyền là bà Bình. Hưng nói với Thủy là: “Chị Bình là khách hàng lớn, khách hàng VIP nhưng đi công tác, không có thời gian, thường không ra trực tiếp giao dịch nên không cần gặp”. Theo Thủy, khách hàng VIP là khách hàng có số dư lớn tại ngân hàng, khách hàng VIP có thể giao dịch tại nhà và bà Bình chính là khách hàng VIP của Eximbank.

Theo Thủy, khi Hưng yêu cầu làm giấy ủy quyền thì đã có chữ ký của bà Bình và ông Phong nhưng chưa có nội dung giấy ủy quyền, Thủy chỉ soạn theo chỉ đạo của Hưng. Khi làm giấy ủy quyền không cần sổ tiết kiệm bản chính, chỉ cần kiểm tra trên hệ thống và khi Thủy làm giấy ủy quyền không có sổ tiết kiệm, chỉ có danh sách sổ tiết kiệm. Bị cáo khẳng định mình nhận lệnh từ Hưng, làm theo chỉ đạo của Hưng.

Đối với 21 lệnh chi, Thủy khai cũng không gặp bà Bình, Thủy hoàn toàn tin tưởng và làm theo chỉ đạo của Hưng vì Hưng nói cứ làm đi, Hưng sẽ gặp khách hàng và cập nhật sau vì đó là khách hàng VIP. Thủy thừa nhận giao dịch khi không gặp khách hàng là sai nhưng bị cáo không có cơ hội gặp bà Bình. Lệnh chi thực hiện xong khi chuyển xuống, các phòng ban khác cũng không có ý kiến gì.

Bị cáo Trâm thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng quy kết. Trâm khai mình nhận lệnh từ Hưng. Hưng nói khách hàng bị đau tay nên chữ ký hơi run. Tuy không có mặt khách hàng nhưng bị cáo tin tưởng nên làm theo yêu cầu của Hưng. Trâm cho biết một mình bị cáo không thể làm hết các khâu được. Khi đã có giấy ủy quyền thì bị cáo làm, bị cáo không được quyền tiếp xúc với khách hàng, không có quyền kiểm tra ngược lại lãnh đạo của mình khi Hưng đã nhận diện khách hàng.

Bị cáo Lan thì khai khi hỏi Hưng về sổ tiết kiệm, Hưng nói với bị cáo phần cập nhật trên sổ Hưng sẽ làm và gửi qua Viber cho bị cáo. Sau đó, Hưng có gửi qua Viber cho bị cáo ảnh sổ tiết kiệm của bà Lê Thị Minh Quý có ghi tay là đã rút. Khi thực hiện việc chi, Lan cho rằng nhận lệnh thấy bình thường, không hề nghi ngờ, do Hưng nhận diện trực tiếp và đây là khách hàng VIP. Eximbank có quy chế đối với khách hàng VIP là khách hàng có số tiền gửi từ 2 tỉ đồng trở lên gửi duy trì trong sáu tháng liên tục, nếu vay là vay trên 3 tỉ đồng. Số tiền bà Bình gửi lớn hơn nhiều nên đây là khách hàng “rất VIP”. Quầy VIP là quầy dành riêng cho khách hàng, tại phòng VIP sẽ có hai hoặc ba bạn nhân viên phục vụ, khách hàng VIP có thể yêu cầu thực hiện giao dịch tại ngân hàng hoặc tại nhà. Lan khai rõ chỉ muốn làm để hài lòng khách hàng VIP, nếu không nhân viên sẽ bị sếp kiểm điểm chứ bị cáo và những bị cáo còn lại hoàn toàn không hưởng lợi gì từ những việc làm trên.

Những người khác cũng khai tương tự

Ông Phong (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cho biết ông chưa từng giao dịch, chưa gặp bà Bình. Ông làm việc với Eximbank, cụ thể giao dịch với Hưng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cho rằng bà chưa từng mở tài khoản tại Eximbank mà do cháu của bà là Hưng làm. Bà cũng chưa từng giao giấy tờ cho Hưng để mở tài khoản nhưng có một giai đoạn bà sang nước ngoài sáu tháng nên có đưa giấy tờ cho cháu đi làm giấy tờ. Bà xác nhận không có tài khoản, không ký trên bất kỳ giấy tờ, không biết bà Bình là ai.

HĐXX kết thúc phần hỏi, ngày mai sẽ bắt đầu phần tranh luận.

Bà Chu Thị Bình yêu cầu trả 245 tỉ đồng

Bà Chu Thị Bình khai bà là khách hàng của Eximbank từ năm 2007. Người trực tiếp giao dịch với bà là Hưng, cũng là người phụ trách tài khoản của bà. Khi muốn rút hay gửi tiền thì bà liên lạc với Hưng, sau đó Hưng sẽ giao cho nhân viên làm và đem đến cho bà ký. Việc ký giấy ủy quyền là do Hưng và các nhân viên hướng dẫn nhưng bà ký không phải để ủy quyền cho bà Lê và ông Phong mà để tất toán thực hiện các giao dịch đến tài khoản của bà tại ngân hàng. Bà Lê và ông Phong cũng khẳng định chưa từng gặp bà. Bà Bình cho rằng bà ký trước và các nhân viên sẽ hoàn thành nội dung, thông tin sau, đây là thông lệ qua nhiều lần làm việc với ngân hàng.

Bà Bình cho rằng khi giao dịch bà không biết quy chế của Eximbank có được giao dịch tại nhà đối với khách VIP hay không nhưng bà được thông báo bà là khách hàng VIP và được ưu đãi tới tận nhà. Khi sự việc xảy ra thì bà mới biết đến quy chế này.

Theo bà Bình, trong quá trình điều tra, phía ngân hàng đã trả lại cho bà 59 tỉ đồng. Nay bà yêu cầu phía ngân hàng tiếp tục phải có trách nhiệm tất toán toàn bộ ba sổ tiết kiệm gồm 245 tỉ đồng tiền gốc và tiền lãi cho bà.

Eximbank: Không cho ký khống

Tại phiên tòa, đại diện Eximbank nói các nhân viên làm không đúng quy trình. Ngân hàng thừa nhận ông Hưng làm phó giám đốc chi nhánh và chịu trách nhiệm đối với một số khách hàng VIP. Eximbank có xếp loại, công bố khách hàng VIP và có quy trình dành cho khách hàng VIP. Tuy nhiên, đại diện Eximbank khẳng định không cho phép khách hàng được ký khống giấy tờ, dù có là VIP hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm