Vụ Hoàng Công Lương: BV tự ý đưa hệ thống RO vào sử dụng

Chiều 15-1, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần xét hỏi. HĐXX tập trung làm rõ các tình tiết liên quan đến hợp đồng hợp tác giữa công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Mở đầu phần thẩm vấn, bị cáo Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn, phản đối cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình cáo buộc mình phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì cho rằng cơ quan công tố đã truy tố không đúng chủ thể.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn. Ảnh: TP

Chưa bàn giao đã đưa vào sử dụng

Bị cáo Tuấn cho biết công ty Thiên Sơn ký với lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Hòa Bình 4 hợp đồng, cho thuê tổng số 13 máy chạy thận, đến nay đã thanh lý hợp đồng 8 máy, 5 máy vẫn đang khai thác (thuộc sở hữu của công ty).

Chủ tọa hỏi bị cáo Tuấn đánh giá như thế nào về lời khai của bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) liên quan đến việc hợp tác giữa hai bên, giám đốc công ty Thiên Sơn khẳng định đều đúng.

Ông Tuấn khẳng định khi ký kết hợp đồng, BV phải có trách nhiệm đảm bảo các yếu tố về pháp lý, kỹ thuật khi vận hành hệ thống máy lọc thận, bao gồm cả hệ thống lọc nước RO. Công ty chỉ đơn giản là cho BV thuê máy chạy thận.

Theo hợp đồng, ban đầu do khó khăn nên hai bên thống nhất giá là 360.000 đồng/ca chạy thận (trong đó công ty đảm bảo cung cấp về máy và vật tư tiêu hao). Đến năm 2011, do nhiều biến động, BV có nhu cầu đặt thêm máy, hai bên thỏa thuận tăng lên 7,7 USD/ca (không bao gồm vật tư tiêu hao), chạy khoảng 4.600 ca/máy. Đây là con số tối thiểu, có ngày chạy 3-4 ca/máy.

“Đây là thỏa thuận tiền thuê máy chứ không phải ăn chia lợi ích cá nhân” – bị cáo nói.

Bị cáo cho biết năm 2010, công ty có lắp đặt hệ thống lọc nước RO số 2 thông qua đấu thầu cho BV, đến năm 2011 thì hết thời hạn bảo hành. Kể từ thời điểm này, BV phải chịu mọi trách nhiệm về hư hỏng, sửa chữa, bởi đây là tài sản của BV.

Đỗ Anh Tuấn khai chưa bao giờ BV phải dừng chạy thận do sửa chữa hệ thống máy móc vì có hai hệ thống nước lắp đặt song song, khi sửa đường ống này thì sẽ dùng đường ống kia.

Thực tế, công ty Thiên Sơn đã rất nhiều lần sửa chữa cho BV và nhiều lần phải xét nghiệm mẫu nước AAMI. Mỗi lần sửa chữa, khi nào phải thực hiện xong hợp đồng, có kết quả xét nghiệm nước thì công ty mới lên bàn giao cho BV.

Với riêng hợp đồng số 315 về sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, công ty chưa bàn giao cho BV dưới bất cứ hình thức nào.

Chủ tọa đặt câu hỏi khi bàn giao, bị cáo có nhắc nhở, cảnh báo cần phải đợi kết quả xét nghiệm nước thì mới sử dụng hay không? Giám đốc công ty Thiên Sơn cho rằng khi đã đưa nội dung xét nghiệm mẫu nước vào hợp đồng thì hai bên buộc phải nhận thức rõ phải đảm bảo chất lượng nước thì mới đưa vào sử dụng. Việc đợi kết quả xét nghiệm là bắt buộc.

“Sang tay” hợp đồng vì nhiều việc

Để thực hiện hợp đồng 315, công ty Thiên Sơn đã ký hợp đồng với công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Theo Đỗ Anh Tuấn, lý do của việc “sang tay” này là vì công ty rất nhiều việc, cá nhân bị cáo thấy đây chỉ là hợp đồng về kinh tế.

Trả lời chủ tọa việc ký kết với công ty Trâm Anh có vi phạm gì không, bị cáo Tuấn đề nghị hỏi người đại diện của công ty.

Cũng theo cáo trạng, VKS cáo buộc Đỗ Anh Tuấn đã không thực hiện đúng, đầy đủ, triệt để trách nhiệm của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, tự liên hệ với Trần Văn Sơn để thực hiện việc sửa chữa theo báo giá. Bị cáo không nhắc nhở, cảnh báo đối với Quốc về việc đảm bảo chất lượng cho nguồn nước sau sửa chữa, không đưa hệ thống RO số 2 vào vận hành khi chưa có kết quả xét nghiệm nước.

Phản bác lại điều này, bị cáo Tuấn cho rằng Thiên Sơn không cần giám sát Bùi Mạnh Quốc vì công ty đánh giá trên hiệu quả công việc, khi nào có kết quả xét nghiệm nước đạt yêu cầu thì mới bàn giao.

Việc bị cáo Quốc lựa chọn hóa chất nào để tẩy rửa là phụ thuộc vào kinh nghiệm của bản thân chứ trong hợp đồng không thể hiện rõ là sử dụng loại nào. Giám đốc công ty Thiên Sơn nói rằng điều quan trọng ở đây là Quốc sử dụng hóa chất gì miễn sao sạch được hệ thống, kết quả xét nghiệm nguồn nước đảm bảo yêu cầu.

Bên cạnh đó, bị cáo Tuấn khẳng định biết rõ Quốc đủ khả năng, trình độ để thực hiện hợp đồng, bởi Quốc từng hợp tác với Thiên Sơn rất nhiều lần.

HĐXX đặt vấn đề sau khi gây ra hậu quả vụ việc khiến 9 người tử vong, bị cáo có thấy sai sót gì không? Bị cáo Đỗ Anh Tuấn cho rằng trên thực tế Thiên Sơn chưa bàn giao cho BV dưới bất cứ hình thức nào, nhưng BV đã tự ý đưa hệ thống vào sử dụng. Từ khi Quốc làm cho đến khi xảy ra sự cố, công ty Thiên Sơn cũng chưa nhận được bất cứ báo cáo gì từ Quốc nên cũng chưa hỏi gì, chưa kiểm tra được có đúng hay không...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm