Vụ Huỳnh Văn Nén và chuyện thời hiệu

TAND tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ hướng dẫn ông Nén và gia đình làm đơn yêu cầu bồi thường 6.360 ngày bị giam oan. Đó là cách thể hiện sự cầu thị của cơ quan gây ra nỗi oan cho ông Nén. Người ta cũng cảm nhận được sự thành tâm trong lời xin lỗi công khai của đại diện TAND tỉnh Bình Thuận vào sáng 3-11.

Làm oan thì phải đền, đó là điều tất yếu của pháp luật và cũng phù hợp với lẽ sống ở đời. Thế còn những oán hận mà ông Nén đã phải chịu đựng trong hơn 17 năm trời đằng đẵng thì tính sao đây? Ai sẽ phải trả giá cho những oan khiên đó?

Trong vụ án “Vườn điều”, những người làm oan cũng đã bị xem xét trách nhiệm ở những mức độ khác nhau, chỉ là không bị xử hình sự. Nhưng trong vụ án bà Lê Thị Bông thì đến nay vẫn chưa có một cá nhân nào lên tiếng nhận trách nhiệm về mình, dù đại diện tòa án và công an tỉnh có nói sẽ xem xét và xử lý tương xứng.

Trong vụ án bà Bông mà ông Nén bị làm oan, có tất cả bảy người liên quan phải có trách nhiệm trong ba giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử (nếu tính luôn cả ba Hội thẩm Nhân dân thì là 10 người). Nói gì thì nói, những cán bộ tố tụng nói trên không thể nói mình vô can. Song, người được nhắc đến nhiều nhất là nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng - người theo lời ông Nén đã dùng những “biện pháp nghiệp vụ” để biến ông Nén từ “thỏ thành gấu”, từ người vô can thành thủ phạm trong cả hai vụ giết người.

Trước buổi xin lỗi ông Nén, một số luật sư đã ngỏ ý mời ông Hùng đến tham dự như một cơ hội để bày tỏ niềm hối hận với ông Nén và gia đình. Nhưng ông đã không đến, thậm chí trả lời báo chí, ông còn lạnh lùng cho rằng ông làm “đúng quy định”, không làm gì trái pháp luật…

Theo quy định pháp luật, cơ quan điều tra VKSND Tối cao là nơi có thẩm quyền khởi tố vụ án để điều tra vụ án làm oan ông Nén, từ đó xem xét các dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan này sẽ xem xét trách nhiệm của từng chủ thể: Điều tra viên, kiểm sát viên (kiểm sát điều tra), người ký cáo trạng, công tố viên và HĐXX. Nếu có dấu hiệu phạm tội thì sẽ khởi tố bị can và tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Đây là một việc làm bình thường của cơ quan này và không phải là chưa từng có tiền lệ.

Trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị làm oan sau 10 năm ngồi tù, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố một thẩm phán TAND Tối cao làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 285 BLHS). Một điều tra viên và một kiểm sát viên cũng bị khởi tố bắt giam về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (theo Điều 300 BLHS).

Trong vụ án của ông Nén, oái oăm thay, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự những người làm oan lại không còn. Từ tội thiếu trách nhiệm… đến các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, khung hình phạt cao nhất chỉ đến 15 năm tù. Tức nó chỉ là tội rất nghiêm trọng. Mà theo Điều 23 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của tội rất nghiêm trọng là 15 năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội. Nếu lấy mốc ngày TAND tỉnh Bình Thuận kết tội chung thân ông Nén trong vụ án giết bà Bông (tháng 8-2000) thì đến nay đã quá 15 năm, nghĩa là không còn thời hiệu truy cứu hình sự họ nữa.

Đến đây, nhiều người sẽ hỏi: Tại sao ông Nén không được đình chỉ sớm hơn, trước tháng 8-2015 chẳng hạn? Khi đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự những người làm oan ông Nén vẫn còn. Tôi không biết liệu có một tính toán nào đó để cố tình kéo dài thời gian đình chỉ ông Nén nhằm để những người này thoát tội hay không...

Câu chuyện thời hiệu có lẽ sẽ còn có tranh cãi nào đấy. Nhưng không xử lý hình sự những người làm oan ông Nén không có nghĩa họ rũ bỏ hết trách nhiệm, nhất là những người còn đang đương chức. Ngoài ra, với lương tri của một con người, tôi không nghĩ họ sẽ ăn ngon ngủ yên trước những gì họ đã gây ra cho ông Nén và gia đình ông.

TS NGUYỄN DUY HƯNG, ĐH Thủ Dầu Một

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm