Vụ lùi xe trên cao tốc: Có thể xem là tình huống bất ngờ?

Trong hai ngày 1 và 2-11, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên phúc thẩm, tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi) chín năm tù và Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi) sáunăm tù cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Sơn và Hoàng chính là hai tài xế trong vụ lùi xe trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên khiến bốn người chết và hai người bị thương xảy ra vào hai năm trước. Đáng chú ý, trong vụ án này, Lê Ngọc Hoàng là bị cáo liên tục không đồng tình với cáo buộc của VKS cũng như mức án của tòa sơ thẩm.
Bị cáo Sơn lùi xe trên cao tốc lỗi đã rõ mười mươi nhưng bị cáo Hoàng thì có lỗi trong vụ này hay không? Xe đang chạy trên cao tốc có thể giữ được khoảng cách an toàn với chiếc xe đang… lùi hay không? Làm sao có thể giảm ngay tốc độ từ hơn 60 km/giờ về 0 ngay lập tức?...
Nhiều ý kiến đã gửi đến Pháp Luật TP.HCM bày tỏ băn khoăn về việc kết tội đối với tài xế Hoàng. Cho dù tài xế này được giảm án đi nữa thì việc kết tội cũng là chưa thuyết phục khi mà cơ quan chức năng chưa cho thực nghiệm hiện trường, làm rõ về cách xử lý của tài xế Hoàng để xác định cụ thể lỗi...

Hiện trường vụ tai nạn và bị cáo Hoàng tại tòa. Ảnh: PLO

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu hai ý kiến trong các ý kiến gửi về:

Một thẩm phán TAND TP.HCM:

Có thể được xem là tình huống bất ngờ, được loại trừ trách nhiệm

Hoàng bị cáo buộc có hai lỗi: Không tuân thủ quy định về tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn với xe liền trước; và không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép khi gặp chướng ngại vật.

Tuy nhiên, Hoàng đã đi đúng tốc độ cho phép trên tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên. Tuyến đường này cho phép tốc độ tối thiểu là 60 km/giờ thì Hoàng đã lưu thông với tốc độ 62 km/giờ, không thể yêu cầu giảm tốc độ hơn nữa khi thấy biển cảnh báo hay chướng ngại vật…

Còn việc giữ khoảng cách với xe liền trước là không thể vì xe này đi lùi, bởi chỉ có thể giữ khoảng cách với xe đi cùng chiều. Chứ không lẽ đang chạy, thấy xe khác lùi thì mình cũng phải thắng xe lại rồi lùi để giữ khoảng cách?

Phải xác định được điểm đụng giữa hai xe mới xác định lỗi chính xác được. Nếu đúng như Hoàng trình bày, tức là khi thấy xe Innova từ xa, Hoàng đã dời chân ga sang chân thắng, nghĩa là đã giảm tốc độ thì không có tội đâu. Mà đây được xem là tình huống bất ngờ, được loại trừ trách nhiệm. Còn nếu Hoàng thấy xe lùi nhưng không giảm tốc độ, dẫn đến xử lý không kịp thì lỗi hỗn hợp.

Do đó, cần phải xác định vị trí đụng thông qua thực nghiệm điều tra. Nếu kết quả thực nghiệm cho thấy Hoàng không giảm tốc độ đến khi va chạm thì việc kết tội là đúng. Ngược lại, nếu Hoàng đã thắng trước đó nhưng vẫn không tránh được tai nạn thì Hoàng không có lỗi, từ đó Hoàng không có tội.

Luật sư NGUYỄN VĂN QUYNH, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Ba thẩm phán quyết định nhưng nhiều người không đồng thuận!

Với 27 tấn hàng là thép trên xe container đi với tốc độ 60-65 km/giờ là mức thấp nhất trên đường cao tốc cho phép chạy mức tối đa 120 km/giờ.

Tốc độ 62 km/giờ với 27 tấn thép trên xe và tốc độ lùi 20 km/giờ từ xe Innova đang chở quá số người quy định và va chạm với nhau thì CQĐT đã làm rõ được tốc độ này bằng thực nghiệm điều tra chưa mà đã vội vã kết luận tài xế xe container có lỗi dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. CQĐT chưa thực nghiệm điều tra, dẫn tới kết luận của bản án là chưa khách quan toàn diện, chưa đủ căn cứ khoa học.

Ở tình huống này, đòi hỏi tài xế phải xử lý chỉ trong ba giây với tốc độ 62 km/giờ. Nếu phanh gấp thì khả năng toàn bộ số thép đang chở sẽ lao về phía trước hoặc xe đằng sau lao vào đuôi xe container hoặc nếu đánh lái sang trái gặp xe đang vượt đều gây tai nạn thảm khốc ở sự kiện bất khả kháng khi xe Innova đang lùi với tốc độ 20 km/giờ.

Tôi từng chứng kiến tài xế xe container tử nạn khi xử lý tình huống thắng gấp, dẫn tới toàn bộ thép cuốn trên thùng hàng bị đứt cáp lăn tới cabin gây tử nạn cho tài xế xe này.

HĐXX phúc thẩm đã tuyên án, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng dư luận không đồng thuận đối với lý lẽ mà tòa lập luận buộc bị cáo có tội trong vụ án này. Tòa máy móc khi lập luận với tốc độ 62 km/giờ thì bị cáo phải quan sát và xử lý được tình huống này, đó là nhận định chủ quan rất khiên cưỡng.

Theo tôi, viện trưởng VKSND Cấp cao và chánh án TAND Cấp cao cần kháng nghị ngay vụ án theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ và phúc thẩm. Khi điều tra lại, CQĐT cần thực nghiệm hiện trường, trưng cầu giám đinh khoa học vật lý để làm rõ cơ cấu va chạm dẫn tới vụ tai nạn nghiêm trọng này. Từ kết quả điều tra khoa học, đầy đủ sẽ giúp cho tòa xét xử có căn cứ, công tâm, không làm oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm.

HĐXX có ba thẩm phán quyết định nhưng hàng triệu người không đồng thuận thì bản án đó không đạt được công lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm