Vụ Nguyễn Khắc Thủy:Đình chỉ nhiệm vụ của chủ tọa có vội vàng?

Không như quyết định kháng nghị hủy án cùng ngày của TAND Cấp cao tại TP.HCM, quyết định đình chỉ này đang gây ra nhiều thắc mắc.

Kháng nghị sớm để được giám đốc thẩm sớm nhằm kịp thời phân định đúng sai, hạn chế các hậu quả phát sinh là việc nên làm. Thế nhưng khi chưa có quyết định giám đốc thẩm để xác định kháng nghị có được chấp nhận hay không, bản án phúc thẩm có bị hủy và lý do hủy có phải do lỗi chủ quan của các thẩm phán hay không, tức chưa có căn cứ pháp lý để xác định chủ tọa có các vi phạm cụ thể gì thì việc ban hành quyết định đình chỉ công việc của ông liệu có vội vàng, hợp lý không?

Theo Quyết định số 120 ngày 19-6-2017 của chánh án TAND Tối cao, thẩm phán xử án có hành vi vi phạm trong việc xét xử nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật có thể bị xử lý trách nhiệm bằng nhiều hình thức. Gồm có: Kiểm điểm trước cơ quan; tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao trong thời gian 30 ngày; bố trí làm công việc khác; chưa hoặc không xem xét đề nghị bổ nhiệm lại thẩm phán.

Trong đó, hình thức tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được áp dụng nếu trong một năm công tác, thẩm phán ra bản án xử phạt hai bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ… không đúng quy định của pháp luật. Hoặc là trong thời gian giữ nhiệm kỳ, thẩm phán ra bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm tỉ lệ từ 2% đến dưới 3% trên tổng số vụ, việc đã tham gia giải quyết, xét xử.

Theo dư luận thì tòa xử án treo bị cáo Thủy là quá nhẹ, không phù hợp đối với một loại tội đang bị cộng đồng lên án mạnh mẽ. Báo chí, trong đó cóPháp Luật TP.HCM, cho rằng việc xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và việc xử án treo chưa đúng quy định. Trong quyết định kháng nghị, TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng nhận định án phúc thẩm xử chưa nghiêm minh… Tất cả ý kiến phản hồi, đánh giá này đều đáng được ghi nhận, xem xét nhưng cần phải thống nhất với nhau rằng chúng không thể thay được án tòa. Theo BLTTHS, chỉ có án giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM mới có giá trị pháp lý minh định đúng sai, xác định được lỗi, tính chất, mức độ hậu quả hành vi vi phạm của HĐXX (nếu có).

Hiện tại thử hỏi dựa vào đâu mà TAND Tối cao có chỉ đạo và chánh án TAND tỉnh đã làm theo để “đình chỉ nhiệm vụ xét xử” thẩm phán Thiện như một cách “tạm dừng thực hiện nhiệm vụ được giao” theo Quyết định 120/2017 của TAND Tối cao hay là tạm đình chỉ công tác như cách hiểu phổ biến dành cho những trường hợp đã được xác định có sai phạm rồi? Giả sử án giám đốc thẩm nói HĐXX làm sai nhưng thẩm phán Thiện không thuộc diện bị Quyết định 120/2017 điều chỉnh như đã nêu ở trên thì hóa ra ông đã bị chế tài không theo quy định mà là theo dư luận? Vậy tại sao không dừng lại ở chỗ yêu cầu ông báo cáo, giải trình rồi chờ có án giám đốc thẩm mới “xử” ông luôn thể cho rõ ràng, đầy đủ hơn?

Dẫu bức xúc, bất bình đến cỡ nào thì cảm xúc của số đông cũng không thể đứng trên nguyên tắc pháp quyền. Tội trạng và hình phạt cụ thể của bị cáo Thủy nhất định phải được các cơ quan pháp luật quyết định khách quan, công tâm, đảm bảo đúng luật và việc xử lý trách nhiệm của các thẩm phán cũng phải như vậy chứ không thể khác hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm