Vụ ô tô kéo lê xe máy: Có dấu hiệu tội giết người?

Thông tin mới nhất liên quan đến vụ tài xế xe bán tải kéo lê nam thanh niên điều khiển xe máy trên đường phố Hà Nội, Công an quận Đống Đa đã phân công cho Đội cảnh sát hình sự thụ lý điều tra. Hiện lực lượng công an đang tích cực củng cố hồ sơ, lấy lời khai các bên để làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm trong vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên.

Trong một diễn biến khác, danh tính tài xế xe máy bị kéo lê trên đường được xác định là Đỗ Mạnh Đ. (42 tuổi, trú tại Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội). Anh Đ. đang được điều trị tại bệnh viện Xanh-Pôn trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy. Nạn nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, gãy xương hàm trên và xương hàm dưới.

Vụ tai nạn này cũng gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, hàng ngàn ý kiến bày tỏ sự bất bình trước hành động của tài xế xe bán tải. Nhiều người cho rằng tài xế này đã bất chấp nguy hiểm tính mạng, bỏ chạy rồi kéo lê nạn nhân một quãng đường dài. Thậm chí, khi được người dân đuổi theo, lái xe không chịu dừng lại mà vẫn đạp ga bỏ chạy. Hành vi này không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn thể hiện sự coi thường tính mạng người khác,…

Vụ ô tô kéo lê xe máy: Có dấu hiệu tội giết người? ảnh 1
Tài xế xe máy bị kéo lê hàng trăm mét trên đường. Ảnh FB

Có dấu hiệu tội giết người?

Trao đổi về vụ việc trên, luật sư (LS) Nguyễn Anh Thơm, Đoàn LS Hà Nội, đánh giá hành vi của tài xế xe bán tải là hết sức nguy hiểm, coi thường pháp luật, tính mạng người khác nên cần phải xử lý nghiêm để làm gương.

Trường hợp thứ nhất, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định lái xe không làm chủ được tốc độ, thiếu quan sát dẫn đến đâm vào xe máy đi cùng chiều khiến nạn nhân tử vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài xế xe bán tải sẽ bị khởi tố về tội vi phạm các quy định tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS 2015.

Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp: làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% sẽ bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Trường hợp thứ hai, có căn cứ xác định người lái xe bán tải gây tai nạn giao thông, nạn nhân đang mắc kẹt ở trong gầm xe, dù biết nguy hiểm đến tính mạng nhưng tài xế không dừng xe để cứu giúp mà tiếp tục cho xe di chuyển, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc có mục đích gây thiệt mạng cho nạn nhân. Khi đó, tội danh không còn là vi phạm các quy định tham gia giao thông mà có thể khởi tố về tội giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vị LS cho hay gia đình tài xế xe máy có quyền yêu cầu người gây tai nạn phải bồi thường, khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Đồng thời có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan công an nơi xảy ra vụ tai nạn vào cuộc xác minh và xử lý người vi phạm theo quy định của BLHS.

Vụ ô tô kéo lê xe máy: Có dấu hiệu tội giết người? ảnh 2
Chiếc ô tô bán tải bị người dân chặn lại sau khi bỏ chạy qua nhiều tuyến phố. Ảnh FB

Phải làm rõ được ý chí chủ quan

Đồng quan điểm, LS Trần Tuấn Anh, Đoàn LS Hà Nội, cho rằng qua góc quan sát từ camera, người điều khiển xe ô tô bán tải đã có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử lý vi phạm hành chính phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan công an có thẩm quyền.

Trong trường hợp hành vi trên thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm hình sự thì người điều khiển xe ô tô bán tải có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Nếu xác định sau khi gây ra tai nạn, người phạm tội còn bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; hoặc có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định; có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì đây là những tình tiết tăng nặng của tội này. Khi đó, tài xế có thể phải đối mặt với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.

Trong trường hợp hành vi không cấu thành hình sự, người điều khiển xe ô tô bán tải cũng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với các lỗi tương đương với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, nếu muốn chứng minh hành vi của tài xế phạm tội giết người hoặc cố ý gây thương tích, LS Tuấn Anh cho rằng cơ quan điều tra cần phải làm rõ được ý chí chủ quan, động cơ, mục đích của tài xế là nhằm tước đoạt mạng sống hoặc xâm phạm đến sức khỏe của người bị hại.

“Sự phân biệt cơ bản nhất của nhóm tội vi phạm quy định về giao thông với nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe chính là yếu tố lỗi. Trong khi lỗi của nhóm tội liên quan đến giao thông là vô ý thì lỗi trong nhóm tội liên quan đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe buộc phải là cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp)” – vị LS này phân tích.

Theo ông, cơ quan chức năng cần phải làm rõ yếu tố lỗi nói trên để có căn cứ xử lý, tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan, sai người vi phạm.

LS Thơm cũng cho rằng hành vi lao vào hành hung tài xế xe bán tải là không đúng và có thể sẽ bị xử lý trước pháp luật.

Cụ thể, hành vi này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp tài xế ô tô có đơn yêu cầu và kết quả giám định tổn thương sức khỏe từ 11% trở lên, những người chủ mưu, kích động người khác hành hung hoặc trực tiếp hành hung đều có thể bị xử lý.

“Mọi người phải hết sức kiềm chế, chỉ cần áp giải tài xế đến cơ quan công an hoặc thông báo ngay cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật; không nên vì bức xúc mà xâm phạm đến tính mạng người khác” – LS Thơm nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.