Vụ SAGRI: Luật sư nói không có việc ông Trần Vĩnh Tuyến đổ lỗi

Chiều 15-12, TAND TP.HCM cho đối đáp vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị tạm đình chỉ công tác) đối đáp bốn vấn đề với đại diện VKS.
Luật sư không đồng tình với việc VKS cho rằng vụ án này “không có gì phức tạp và có đủ căn cứ buộc tội bị cáo Tuyến”. Liên quan đến điều kiện chuyển nhượng dự án gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, luật sư cho rằng hiện nay có các Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản điều chỉnh và còn nhiều vướng mắc, bất cập như đã trình bày trong lời bào chữa.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: N.NHI

"Tại phiên tòa, luật sư đã chỉ ra trong Điều 50 Luật kinh doanh BĐS và Nghị định 76 hướng dẫn đều quy định về thẩm quyền “cho phép” của chủ sở hữu, đại diện vốn Nhà nước, nhưng trong mẫu 11 (bắt buộc) kèm theo Nghị định 76 lại ghi chữ quyết định “chấp thuận” chuyển nhượng dự án. Sự khác biệt nội hàm của hai khái niệm này ảnh hưởng đến việc đánh giá Quyết định 6077, thực chất chỉ là “chấp thuận có điều kiện” như được giải thích thuật ngữ “chấp thuận” trong “từ điển luật học” do Bộ Tư pháp chủ biên, Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành tại trang 120, 121. Đây là tình tiết mới chứng minh sự bất cập trong pháp luật” - luật sư Hoài nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư, tại phiên tòa có vấn đề mới là các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét, phân biệt chủ thể trực tiếp và chủ thể gián tiếp đối với hành vi vi phạm Điều 219. Chính kết luận giám định Bộ Tài chính và Điều lệ Sagri đã phân định rõ thẩm quyền quyết định chuyển nhượng dự án thuộc hội đồng thành viên khi giá trị dự án dưới 50% vốn điều lệ, là chủ thể trực tiếp, còn UBNDTP với tư cách là đại diện chủ sở hữu là chủ thể gián tiếp. Phân định rõ vấn đề này để chứng minh là không có việc ông Tuyến “đổ lỗi” cho cấp dưới.

Những ngày qua, ông Tuyến là người luôn nhìn nhận trách nhiệm của mình khi ký Quyết định 6077, đã thiếu sót trong rà soát, kiểm tra đôn đốc các bước triển khai của các Sở, ngành và các bên chuyển nhượng, tuyệt đối không đổ lỗi cho ai.

Phiên toà có bốn đại diện VKS. Ảnh: H.YẾN

Vấn đề mấu chốt là giá trị chuyển nhượng dự án có bao gồm giá trị quyền sử dụng đất không, đại diện VKS nêu nhiều chứng cứ chứng minh trong giá trị chuyển nhượng có giá tri quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Giám định viên Bộ Tài chính đã kết luận trong hợp đồng hợp tác kinh doanh từ 2008 chỉ góp vốn bằng tiền mặt, không góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Cơ cấu giá trị Hợp đồng chuyển nhượng 2017 bao gồm các chi phí đầu tư thực tế, phần vốn góp bằng tiền mặt, lợi nhuận… không phản ánh giá trị quyền sử dụng đất.

Đặc biệt, Tổng Công ty Phong Phú thông qua đại diện theo pháp luật khai rõ trong hợp đồng chuyển nhượng không xác định giá trị quyền sử dụng đất dự án do bị vướng các hợp đồng huy động vốn (bản chất là bán nền đất biệt thự liền kề) cho 79 khách hàng, đã có 24/79 công trình xây dựng, nên không định giá trị quyền sử dụng đất được. Việc này cho thấy hợp đồng chuyển nhượng thực chất là hợp thức hóa chi phí đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh hiện vẫn còn hiệu lực.
Trong vụ án này, Sagri được xác định là bị hại, hậu quả thiệt hại từ vụ án được xác định là 672 tỉ, vậy ai là người hưởng lợi? Nhà nước (UBND TP) hay Sagri có bị thiệt hại không khi trước khi khởi tố vụ án, các bên đã thỏa thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng, Văn phòng đăng ký đất đai đã cập nhật hủy Quyết định 6077 trong GCNQSDĐ. Hiện nay, Phong Phú và Sagri đã thỏa thuận giải quyết tự nguyện với nhau. Do đó, hậu quả thiệt hại của vụ án 672 tỉ đồng là hoàn toàn không có căn cứ, tài sản vẫn do UBND TP kiểm soát, chấm dứt việc chuyển nhượng từ trước khi khởi tố vụ án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm