Vụ thuê người chặt tay, chân: ‘Không khởi tố là bỏ lọt tội phạm’

Theo Điều 18 BLHS 1999 thì mọi hành vi phạm tội chưa đạt đều phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở đây LTN đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng nhưng chưa chiếm đoạt được thì phải coi hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chứ không phải là chưa cấu thành tội phạm hay mới ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

Theo quy định tại Điều 17 BLHS 1999 thì “chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm”. Ở đây N. đã thực hiện một trong những hành vi khách quan của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được sao gọi là chuẩn bị phạm tội. Hơn nữa, nếu có chuẩn bị phạm tội lừa đảo (để chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng) thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự vì đây thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Số tiền mà N. định chiếm đoạt được coi là đặc biệt lớn, thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 139 BLHS 1999, là tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 12 năm đến tù chung thân. Khi xét xử, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì tòa án có thể áp dụng hình phạt thấp hơn 12 năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù. Tuy nhiên, đối với trường hợp phạm tội của N. còn có nhiều tình tiết tăng nặng là dùng thủ đoạn xảo quyệt và tái phạm...

Cho dù hiện nay N. đã bị cụt một chân và một tay nhưng không vì thế mà không truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Việc xử hình sự đối với N. còn là bài học cho nhiều người khác, hãy đừng vì lợi ích vật chất mà hủy hoại cơ thể, đánh lừa người khác.

Lý do mà Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội không khởi tố vụ án hình sự đối với N. là không thuyết phục, nếu không muốn nói là trái pháp luật và bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng!

Tương tự, đối với DVD, người được N. thuê chặt tay, chân N. để lấy 50 triệu đồng, cũng có tội. Đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội với động cơ rất xấu là “gây thương tích thuê”, cho dù người mà D. gây thương tích chính là người đã thuê D. Việc giám định tỉ lệ thương tật đối với N. là quy định bắt buộc của pháp luật tố tụng nhưng chỉ căn cứ vào thương tích của N. cũng có thể xác định được ít nhất là 50%-60%. Và như vậy hành vi cố ý gây thương tích của D. thuộc khoản 3 Điều 104 BLHS 1999, có khung hình phạt 5-15 năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng.

Tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác có nhất thiết phải cần trái ý muốn của người bị hại đâu. Vậy trường hợp một người bị bệnh hiểm nghèo nhờ người khác tiêm cho mình một liều thuốc độc thì sao? Chẳng lẽ nói người tiêm thuốc độc cho nạn nhân không phải tội giết người!?

Ngoài ra, việc đi giám định đâu có phụ thuộc vào ý chí của người bị hại mà cơ quan tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người bị hại phải đi giám định. Nếu họ từ chối tức là họ đã không chấp hành yêu cầu của cơ quan tố tụng và có thể bị truy cứu về tội từ chối cung cấp tài liệu theo Điều 308 BLHS.

Việc N. không yêu cầu xử lý nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS thì được, không nói gì, còn ở đây thuộc khoản 3 Điều 104 thì việc N. có yêu cầu hay không không phải là căn cứ để có khởi tố D. hay không!

Đó là chưa nói trước khi D. có hành vi chặt tay, chân của N., N. đã nói rõ mục đích cho D. biết về việc chặt cụt chân, tay để được hưởng bảo hiểm. Vì vậy, hành vi của D. còn có dấu hiệu đồng phạm với N. về tội lừa đảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm