Vụ xin nghỉ việc vì 'nạn dối trá': Ai có quyền cho thầy giáo thôi việc?

Chiều 11-10, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết đã chỉ đạo Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi (huyện Long Thành) rút ngay "bút phê" trong Đơn đề nghị của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn vì hiệu trưởng ký đơn như vậy là sai nguyên tắc. Hiệu trưởng không có quyền quyết định cho giáo viên nghỉ việc.

Đơn đề nghị của ông Trần Lê Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học An Lợi, đang gây xôn xao trên nhiều diễn đàn về giáo dục.

Trước đó, ngày 6-10, ông Sơn có đơn đề nghị gửi ban giám hiệu Trường Tiểu học An Lợi và Phòng GD&ĐT huyện Long Thành về việc giải quyết cho ông thôi việc.

Theo đơn, ông Sơn hiện là giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thành. Ông vào ngành từ tháng 8-1997. Nay ông có đơn xin nghỉ việc vì: “Công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là nạn dối trá, tôi cảm thấy không phù hợp nên nghỉ”. Ông đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét cho ông nghỉ việc từ ngày 1-11-2021.

Ngày 10-10, ông Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lợi,  đã xem xét và ký phê duyệt chấp thuận cho ông Sơn nghỉ việc theo nguyện vọng.

Vậy, khi một giáo viên có đơn đề nghị giải quyết thôi việc theo luật thì cơ quan nào, người nào có thẩm quyền giải quyết? Việc hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi bút phê và ký đơn đồng ý cho ông Sơn nghỉ việc, không phù hợp quy định pháp luật như thế nào mà trưởng phòng giáo dục yêu cầu "rút ngay"? 

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Thứ nhất, hiệu trưởng trường tiểu học là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng giáo dục của nhà trường.

Hiệu trưởng do Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm đối với trường tiểu học công lập, công nhận đối với trường tiểu học tư thục theo quy trình bổ nhiệm hoặc công nhận hiệu trưởng của cấp có thẩm quyền.

Nhiệm vụ quyền hạn của hiệu trưởng: Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học, giáo dục; Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền; Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; Bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; Phân công, quản lý, đánh giá, xếp loại; Tham gia quá trình tuyển dụng, thuyên chuyển; Khen thưởng, thi hành kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định…

Trong trường hợp ông Sơn là viên chức thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc giữa hai bên phải thuộc một trong các lý do nêu trong Điều 29 Luật Viên chức. Điều luật này không có loại lý do như ông Sơn nêu trong đơn.

Trường hợp ông Sơn là giáo viên trường tư thì việc nghỉ việc của ông được giải quyết theo luật lao động. Khi đó ông Sơn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước, có quyền không báo trước nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ Luật Lao động 2019.

Thứ hai, giáo viên cơ hữu xác định là viên chức nhà nước và được điều chỉnh bởi Luật Viên chức năm 2010 và luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.

Theo đó, trường tiểu học do Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quản lý.

Phòng giáo dục và đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình trường, lớp tiểu học và các cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học trên địa bàn.

Trong trường hợp ông Lê Trần Ngọc Sơn là viên chức trong ngành giáo dục, là người chịu sự quản lý của Phòng GD&ĐT huyện Long Thành thì cơ quan này là cơ quan trực tiếp cũng chính là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định nghỉ việc.

Khi đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc giữa hai bên phải thuộc một trong các lý do nêu trong Điều 29 Luật Viên chức. Điều luật này không có loại lý do như ông Sơn nêu trong đơn. 

"Nếu ông Sơn là viên chức thì việc hiệu trưởng bút phê vào đơn kiến nghị chấp thuận cho nghỉ việc là chưa đúng với thẩm quyền" - luật sư Thanh nói.

Hiệu trưởng chỉ có thể bút phê theo thủ tục hành chính để báo cáo với tư cách người quản lý trực tiếp để đơn vị quản lý cấp trên xem xét đến nguyện vọng của thầy Sơn để ra quyết định nghỉ việc.

Trường hợp ông Sơn là giáo viên trường tư thì việc nghỉ việc của ông được giải quyết theo luật lao động. Khi đó ông Sơn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước, có quyền không báo trước nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ Luật Lao động 2019.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, với tư cách một nhà giáo, cách sử dụng từ ngữ "tởm nhất là..." như trong đơn là thiếu sự chuẩn mực. Nếu có căn cứ cho rằng đơn vị nơi mình công tác có những vấn nạn giáo dục thì thầy có thể thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình. Thực tế là những tố cáo của thầy về Ban Giám hiệu nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành đã xử lý những gì Ban Giám hiệu sai - như phát biểu của ông trưởng phòng với báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm