Vướng mắc trong xóa án tích cho dân

Ngày 24-11, Bộ Tư pháp - Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP). Luật này được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. 
Đã cấp hơn 3,7 triệu phiếu lý lịch tư pháp 
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói: “Hội thảo Đánh giá thực tiễn 10 năm thi hành Luật LLTP là một cơ hội tốt để những người làm công tác LLTP cùng tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém. Từ đó, chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp, cách làm hay, khả thi để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác LLTP”. 
Trình bày tại hội thảo, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp, cho biết: Tính đến ngày 30-6-2020, Trung tâm LLTP quốc gia và các sở Tư pháp đã giải quyết được hơn 3,7 triệu yêu cầu cấp phiếu LLTP (gồm hơn 2,6 triệu phiếu LLTP số 1 và gần 1,1 triệu phiếu LLTP số 2). Trong đó có hơn 3,5 triệu phiếu LLTP được giải quyết đúng thời hạn (đạt tỉ lệ 94%), hơn 242.000 phiếu LLTP chậm thời hạn (chiếm tỉ lệ 6%). 
Hiện nay, phiếu LLTP số 1 chỉ ghi án tích chưa được xóa, còn phiếu LLTP số 2 ghi đầy đủ tất cả án tích không phân biệt đã được xóa án tích hay chưa.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc (trái) đang trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: NQ

Hình thức đương nhiên được xóa án tích còn gặp khó 
TS Tạ Minh Lý, chuyên gia tư vấn UNDP, đánh giá: “Pháp luật hiện hành quy định hai hình thức xóa án tích là đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích do tòa án quyết định. Theo đó, việc đương nhiên được xóa án tích gây phiền phức nhất cho cả người dân và cơ quan cấp phiếu LLTP”. 
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh An Giang cũng cho biết hồ sơ chậm trễ, quá hạn ở cơ quan này phần lớn đều do phải xác minh thêm về điều kiện đương nhiên xóa án tích. Ngoài ra, những trường hợp bị lập danh chỉ bản mà không rõ có bị xét xử không… cũng khiến việc cấp phiếu LLTP bị trễ. 
Bà Hoàng Thị Hương Lan, Trưởng phòng LLTP Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng Luật LLTP chưa quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, thời gian cấp phiếu đối với hồ sơ có thông tin tiền án, tiền sự (sau đây gọi là hồ sơ có tài liệu), chưa bảo đảm thực hiện chế định đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. 
Trong điều kiện cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp đang hoàn thiện, nhiều trường hợp không có bản án, thông tin về việc chấp hành nội dung bản án (hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự, án phí...), việc cấp phiếu còn phụ thuộc nhiều vào kết quả xác minh tại các cơ quan liên quan, đặc biệt là những thông tin có trước ngày 1-7-2010 và thông tin tiền sự không rõ kết quả xử lý. Điều này tạo nhiều áp lực trong công tác xác minh, tra cứu, cấp phiếu LLTP. 
Kết quả phúc đáp của các cơ quan liên quan đối với hồ sơ có tài liệu còn chậm trễ, Sở Tư pháp chưa thể đảm bảo thời gian cấp phiếu theo quy định, dễ gây bức xúc cho người dân về tình trạng hồ sơ trễ hạn.
Bên cạnh đó, theo bà Hương Lan, khi xử lý hồ sơ tiền án, đã có kết quả của Trung tâm LLTP quốc gia nhưng không nêu rõ số bản án, một số hồ sơ không nói rõ bị phạt hành chính hay không. Khi chuyên viên liên hệ với tòa án, tòa yêu cầu phải cung cấp thêm thông tin mới xử lý được. Những trường hợp này chuyên viên phải gửi công văn đến 6-7 lần.
Một số trường hợp đương sự đi nhiều nơi. Có trường hợp gặp vướng khi các cơ quan từ chối và đẩy trách nhiệm khiến người dân vô cùng bức xúc khi không thể xóa án tích.
Theo bà Hương Lan, năm 2020, Sở Tư pháp đã chuyển đến Trung tâm LLTP quốc gia 280 trường hợp, trong đó 172 trường hợp từ có tiền án, tiền sự chuyển thành không có án tích…

Cần có thủ tục riêng về xóa án tích 

Luật LLTP cần có quy định riêng về thủ tục xóa án tích cho người đương nhiên được xóa án tích. Quy định này theo hướng trong quá trình cập nhật thông tin LLTP về án tích, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cần chủ động thực hiện việc tra cứu thông tin LLTP, xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để xóa án tích cho người bị kết án khi họ có đủ các điều kiện do BLHS quy định. Không nên đợi đến khi họ có yêu cầu cấp phiếu LLTP thì cơ quan chức năng mới thực hiện những công việc này như hiện nay.

TS TẠ THỊ MINH LÝ, chuyên gia tư vấn UNDP


Xin xóa án tích ở nhiều nước cũng “trầy vi tróc vảy”

Tại một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc hoặc Philippines, việc xin xóa án tích rất khó khăn. Thậm chí, nhiều quốc gia còn không có quy định về việc này.

Đối với người phạm tội tuổi chưa thành niên, các luật quốc tế hiện đại của Liên Hợp Quốc khuyến khích đẩy mạnh việc xóa án tích để họ sớm tiếp xúc với những chính sách ưu đãi của nhà nước. 

Ông SCOTT CIMENT, cố vấn chính sách về luật tại UNDP Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm