Xâm hại trẻ em: Khó thu thập chứng cứ

Theo đại diện VKSND TP, khó khăn đầu tiên trong xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là không bắt được quả tang, không có người làm chứng. Trẻ bị xâm hại còn quá nhỏ hoặc lớn hơn một chút thì nhận thức hạn chế, cho rằng có quan hệ tình cảm tự nguyện với nhau thì không bị gì.

Không trình báo hoặc tố giác quá chậm

Mặt khác, khi biết được sự việc, gia đình nạn nhân thường có tâm lý e ngại, xấu hổ, sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, đến cuộc sống của trẻ sau này hoặc có thể vì lý do nào đó mà không trình báo công an, chỉ tự giải quyết. Ngoài ra, ý thức của người dân chưa cao, nhất là các cơ sở cho thuê phòng trọ, khách sạn nhỏ thường không kiểm tra giấy tờ của khách thuê phòng, không ghi vào sổ lưu trú hoặc do sợ trách nhiệm nên khi CQĐT hỏi thì phủ nhận...

Đại diện VKSND TP cho biết đã có một số vụ án được gia đình nạn nhân trình báo nhưng CQĐT không thu thập được chứng cứ để khởi tố bị can hoặc khởi tố nhưng VKS phải ra quyết định hủy bỏ vì không đủ căn cứ. Nguyên nhân chủ yếu là do việc trình báo chậm nên dấu vết, chứng cứ để lại rất hạn chế.

Chẳng hạn cuối năm 2014, cháu NTNT (12 tuổi) làm quen, trò chuyện với H.V.Th. hai lần qua mạng Internet thì hẹn gặp nhau, đi ăn rồi vào một khách sạn ở quận 9. Ba tháng sau cháu T. mới kể cho gia đình biết. Gia đình đi trình báo công an. Kết quả giám định cho thấy màng trinh của nạn nhân có vết rách cũ, thời gian quá lâu nên không phát hiện được tế bào nam trong âm đạo. Nghi can Th. thì khăng khăng phủ nhận, khách sạn cũng không nhận dạng được cả T. lẫn Th. nên CQĐT không có căn cứ xử lý.

Tương tự, cháu CTTN (12 tuổi) có quan hệ tình cảm với một thanh niên 23 tuổi tên V. Tháng 3-2013, phát hiện cháu có thai, mẹ cháu N. đưa cháu đến bệnh viện phá thai nhưng không làm thủ tục nhập viện, không có bệnh án và không nhớ tên bác sĩ. Sau đó, mẹ cháu N. dặn con không được quan hệ với V. nữa. Cháu N. không nghe lời, vẫn lén lút gặp V. nên bà mới làm đơn tố cáo. Kết quả giám định pháp y cho thấy màng trinh của nạn nhân có vết rách cũ, không phát hiện tinh trùng, không phát hiện tế bào nam trong âm đạo… CQĐT xét thấy không có căn cứ khởi tố bị can đối với V. nên đã đình chỉ điều tra.

Công tác xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em gặp nhiều khó khăn về thu thập chứng cứ. Ảnh minh họa: Một bị cáo bị đưa ra tòa xét xử vì xâm hại trẻ em. Ảnh: H.YẾN

Khó xác định tuổi bị hại

Nhiều trường hợp khác cơ quan tố tụng cũng phải đình chỉ vụ án do không xác định được tuổi của nạn nhân vào thời điểm bị xâm hại.

Từ tháng 1-2012 đến tháng 9-2013, LBX nhiều lần làm chuyện người lớn với cháu PTKT (cả trước và sau khi cháu T. đủ 16 tuổi) do cả hai có quan hệ tình cảm với nhau. Tháng 9-2013, gia đình cháu T. tố cáo đến Công an quận Bình Tân. Lúc đầu lời khai của X. phù hợp với nội dung tố cáo nên X. bị các cơ quan tố tụng quận Bình Tân khởi tố, truy tố, kết án ba năm tù về tội giao cấu với trẻ em.

Sau đó, cả bị cáo lẫn bị hại đều kháng cáo theo hướng kêu oan cho bị cáo. Tại phiên xử phúc thẩm của TAND TP.HCM, cả hai thay đổi lời khai rằng chỉ “quan hệ” lần đầu vào tháng 9-2013 (khi cháu T. vừa đủ 16 tuổi). Vì vậy, tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Tiếp đó, cháu T. và gia đình có đơn rút yêu cầu xử lý hình sự đối với X. nên CQĐT phải đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can.

Có vụ các bên thừa nhận đã làm chuyện người lớn nhưng ngoài lời khai thì CQĐT không thu thập được một chứng cứ vật chất nào khác nên VKS cũng không phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của CQĐT. Như vụ NPĐ làm quen với cháu NNGL (gần 13 tuổi) qua mạng Internet. Ngày 23-12-2013, Đ. chở cháu L. đi uống nước rồi rủ thuê phòng khách sạn qua đêm, cháu L. đồng ý. Trưa hôm sau, cháu L. kể cho gia đình biết và trình báo công an. Cháu L. khai trong đêm cả hai đã “quan hệ” nhiều lần và cháu bị đau. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy màng trinh không rách, không có dấu hiệu bị tổn thương, cũng không thu được dấu vết nào khác. Vì vậy, VKSND TP đã hủy bỏ quyết định khởi tố bị can của CQĐT.

Các kiến nghị

Từ thực tiễn xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, VKSND TP đã đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng, thường xuyên kiểm tra, quản lý các nhà nghỉ, phòng trọ, phòng karaoke, quán cà phê… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giáo dục cần xây dựng chương trình giáo dục giới tính từ bậc mẫu giáo, trang bị khả năng nhận biết các hành vi nguy hiểm để trẻ tự phòng vệ cũng như nhờ người khác bảo vệ. Gia đình, nhà trường cũng cần bổ sung kiến thức về kỹ năng sống, giúp trẻ có lối sống lành mạnh, kỹ năng kiềm chế cảm xúc của bản thân, lồng ghép giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh.

Ngoài ra, nhà làm luật cần quy định cụ thể về vấn đề ẩn danh đối với bị hại và cho phép CQĐT được tiến hành một số hoạt động đặc thù để thu thập chứng cứ. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, hành vi quấy rối tình dục nói chung, quấy rối tình dục trẻ em nói riêng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển thành những hành vi phạm tội nguy hiểm, cần được quy định trong BLHS.

Cha mẹ bận việc, thiếu quan tâm con

Nhiều bậc cha mẹ bận việc, thiếu gần gũi, quan tâm, kiểm tra con cái, không có biện pháp phòng ngừa. Nhiều vụ án trẻ đã bị xâm hại từ chính người thân trong gia đình.

Có đối tượng phạm tội thừa nhận bạn gái quen qua mạng Internet rất dễ dãi, chủ động gặp gỡ yêu thương và cho “quan hệ”, do không phải mất thời gian đeo đuổi và tốn tiền nên họ không từ chối. Một nguyên nhân không thể phủ nhận là một số cháu gái có sự phát triển sớm về vóc dáng, tâm sinh lý, muốn có bạn trai như các bạn lớn tuổi hơn nên dễ bị lợi dụng. Chỉ qua vài lần trò chuyện qua mạng, thậm chí mới gặp lần đầu, các cháu đã đồng ý “quan hệ”…

Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Đội phó Đội trọng án hình sự Công an TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm