Xin lỗi oan: Hành trình ‘được vạ má sưng’

Còn cơ quan tố tụng mà làm oan một người vô tội thì không chỉ gây thiệt hại đến cá nhân của người đó mà gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cháu, có khi cả một dòng họ của người đó bị tổn thương đến uy tín danh dự, ra đường chẳng dám nhìn ai, bị dân làng dè bỉu, chê bai, người đời xa lánh…

Số vụ án được minh oan hằng năm thì có thể thống kê được, vì xét từ góc độ “thành tích” thì minh oan cho một người cũng đáng được khen. Nhưng chẳng ai biết còn bao nhiêu vụ án oan nữa chưa được phát hiện. Đến nỗi có đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Đó là một ẩn số, một câu hỏi rất khó trả lời”!

Để làm oan một người có khi chỉ trong chốc lát, do nhiều nguyên nhân của cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng. Nhưng để minh oan cho một người thì không đơn giản, có khi cả chục năm hoặc lâu hơn thế. Chưa có một thống kê nào cho thấy từ khi có chủ trương của Nhà nước bồi thường cho người bị oan đến nay đã có bao nhiêu trường hợp cơ quan tố tụng “tự mình kiểm tra” mà phát hiện và tiến hành minh oan cho người vô tội. Nhưng người ta có thể thống kê được những vụ án oan mà cơ quan tố tụng không tự nhận mình đã làm oan người vô tội. Đã có ai kiểm tra giám sát và kết luận có bao nhiêu trường hợp cơ quan tố tụng đã “lách luật” để tránh bồi thường oan bằng quyết định miễn trách nhiệm hình sự vì “chuyển biến của tình hình” hoặc “người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”…

Những vụ án oan, hầu hết là người bị oan hoặc gia đình họ phải đội đơn đi hết cơ quan này đến cơ quan khác kêu cứu. Nếu may mắn được minh oan thì việc bồi thường cũng chẳng dễ dàng gì, không ít trường hợp các cơ quan tố tụng đổ lỗi cho nhau, có vụ vài chục năm vẫn không có cơ quan nào chịu đứng ra bồi thường. Chưa kể người bị oan phải kiện cơ quan làm oan mình ra tòa án thì còn gian nan vất vả hơn nhiều. Tòa dưới xử, tòa trên hủy, rồi cứ như vậy kéo dài hàng chục năm vẫn chưa có quyết định cuối cùng!

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rất cụ thể từ phạm vi, trách nhiệm bồi thường của từng cơ quan tố tụng đến thủ tục giải quyết bồi thường, đọc thì thấy luật rất hay và dễ áp dụng, thực tế lại không phải như vậy. Chỉ mỗi chuyện xin lỗi, luật quy định phải “Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên”. Còn trình tự thủ tục xin lỗi như thế nào, người bị oan có được phát biểu cảm tưởng hay không, thời gian diễn ra buổi lễ xin lỗi là bao nhiêu… thì chẳng thấy cơ quan nào giải thích hay hướng dẫn. Vì vậy, mỗi nơi làm một kiểu, có nơi làm qua quýt, vội vàng khiến người bị oan tủi thân như khi bị hàm oan.

Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh hai vụ VKS xin lỗi người bị oan, một ở TP.HCM và một ở Đồng Nai. Nếu dư luận vui mừng, cảm phục người đại diện cho VKS huyện Tân Phú (Đồng Nai) tổ chức xin lỗi bà Hà Ngọc Bích bao nhiêu thì lại thất vọng chuyện VKSND TP.HCM xin lỗi ông Trương Bá Nhàn bấy nhiêu. Phải chăng do thiếu quy định của pháp luật hay thiếu sự chân thành của cơ quan tiến hành tố tụng mà ra như vậy?!

Pháp luật có thể chưa quy định thật chi tiết hình thức xin lỗi người bị oan nhưng nếu cơ quan tố tụng biết lỗi và với lòng chân thành, cầu thị thì việc tổ chức buổi xin lỗi sẽ trang nghiêm, ấm áp, chân tình. Khi đó người bị oan và những người tham dự bớt đi sự thành kiến với cơ quan tố tụng biết dường nào.

Dư luận cũng như người dân đều có một suy nghĩ rằng nếu lời xin lỗi thật sự cầu thị và chân thành, biết ăn năn, hối lỗi thì mới thật sự có giá trị. Khi đó mới đích thực cơ quan làm oan trả lại danh dự, gột rửa oan trái, xoa dịu phần nào nỗi đau, bù đắp lại những mất mát của người bị oan và lấy lại được lòng tin của người dân vào công lý và pháp luật.

Chỉ có như vậy thì buổi xin lỗi mới có thể khôi phục được niềm tin của người dân vào công lý, vào pháp luật. Còn nếu chỉ làm cho xong, làm qua quýt, lấy lệ thì sẽ có hậu quả ngược lại.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm