Xử lưu động: Đừng trình diễn tội ác!

Theo thống kê, hiện nay mỗi năm ngành tòa án tổ chức khoảng 9.000 phiên tòa lưu động. Trong tham luận gửi tới hội thảo, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) cho biết các vụ án mà tòa đưa ra xét xử lưu động thường là án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận như giết người, cướp tài sản, trộm cắp, đánh bạc, ma túy… Hoặc án xâm phạm kinh tế và trật tự an toàn xã hội đã cản trở việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng chính trị xấu trong nhân dân.

Mỗi tòa tự quyết định

Tuy nhiên, theo TS Đỗ Xuân Lân (Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp), qua mấy chục năm nay vẫn chưa có một báo cáo tổng kết, đánh giá tác dụng của xét xử lưu động trong việc nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật ngoài việc coi đây là tiêu chí bình xét thi đua. Đáng chú ý, hiện chưa có một tiêu chí chung để lựa chọn vụ án ra xét xử lưu động như tội gì, khung hình phạt bao nhiêu, tính chất nghiêm trọng của vụ án như thế nào…

“Các vụ án được đưa ra xử lưu động có tính chất, mức độ khác nhau, từ nghiêm trọng đến ít nghiêm trọng, từ giết nhiều người đến chỉ gây thương tích nhẹ, từ mua bán hàng chục bánh heroin đến vài tép heroin, từ trộm cắp cả tỉ đồng đến trộm chó mấy triệu đồng… Điều này vô hình trung tạo ra sự thiếu thống nhất trong áp dụng hình thức này” - ông Lân nói.

Cạnh đó, pháp luật tố tụng không quy định cụ thể hình thức tổ chức xét xử lưu động, dẫn đến việc ngoài quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật thì tòa không có căn cứ để viện dẫn. Mỗi tòa thấy cần thiết thì quyết định xử ngay tại trụ sở hay đi lưu động...

Xét xử lưu động vụ thảm sát ở Bình Phước. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần tiêu chí chung để chọn lựa

Từ các bất cập trên, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TAND Tối cao) đề nghị TAND Tối cao cần có hướng dẫn thống nhất đưa ra tiêu chí vụ án nào thì được xét xử lưu động. Theo đó, chỉ nên xử lưu động đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe (giết người, cố ý gây thương tích), các tội xâm phạm sở hữu (cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp…), tổ chức đánh bạc, đánh bạc, các tội phạm về ma túy, một số tội phạm thuộc tệ nạn xã hội như chứa mại dâm, môi giới mại dâm… Đặc biệt, không xử lưu động đối với bị cáo hoặc người bị hại là người chưa thành niên, đối với các tội xâm phạm nhân phẩm như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu hoặc dâm ô với trẻ em…

TS Hoàng Anh Tuyên (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) đề xuất sáu tiêu chí lựa chọn án xử lưu động. Theo ông, đó phải là án trọng điểm, có tính điển hình, được dư luận xã hội quan tâm. Hành vi của bị cáo có tính nguy hiểm cao, thậm chí là rất dã man, tàn độc, phi nhân tính, gây bức xúc trong nhân dân… Ông Tuyên dẫn hai dẫn chứng điển hình là vụ Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình tiệm vàng ở Bắc Giang và vụ Nguyễn Hải Dương giết cả sáu người trong gia đình bạn gái ở Bình Phước.

Không đồng tình, TS Nguyễn Thị Hằng Nga (Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam) lo ngại nếu lựa chọn án “dã man, tàn độc, phi nhân tính” để xét xử lưu động thì có khi phản tác dụng. “Dự phiên tòa ở Bình Phước, người ta thấy sự hả hê, mãn nguyện của dân chúng. Chưa kể những hành động vô cùng phi nhân tính lại được phơi bày trước toàn dân, trước bao trẻ em” - bà Nga bức xúc. Bà Nga sau đó đề nghị nên đặt ra tiêu chí không lựa chọn án xét xử lưu động sẽ dễ dàng hơn nhiều so với làm ngược lại.

Không nên xử lưu động?

Bên lề hội thảo đã diễn ra những cuộc tranh luận nhỏ rằng có nên duy trì hình thức xét xử lưu động hay không.Theo Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, xét xử lưu động là một biện pháp tăng cường tính công khai, minh bạch, nghiêm minh của tòa theo Hiến pháp 2013, giúp đưa kiến thức pháp luật tới gần người dân. Người dân được trực tiếp chứng kiến quá trình thẩm vấn, tranh tụng, luận tội tại phiên tòa, giúp họ được tiếp cận, trang bị những kiến thức pháp luật thực tế…

Tuy nhiên, mặt trái của xét xử lưu động có thể ảnh hưởng tới bí mật cá nhân, danh dự, nhân phẩm của bị cáo, gây ảnh hưởng đến tâm lý của đối tượng, gây sự kỳ thị của cộng đồng. Đã có trường hợp bị can, bị cáo tự tử vì xấu hổ khi nhận được quyết định là phiên tòa sẽ xét xử lưu động hoặc những trường hợp sau khi xét xử lưu động, do bị xã hội, cộng đồng kỳ thị khiến họ khó hòa nhập cộng đồng. Cạnh đó, bản thân người thân, cha mẹ, anh em ruột thịt của người vi phạm pháp luật cũng bị ảnh hưởng không nhỏ về mặt tâm lý trong cuộc sống hằng ngày…

Ngoài ra, xét xử lưu động có nguy cơ tạo thành hiệu ứng tuyên truyền ngược. Một số vụ án với tình tiết rùng rợn, ly kỳ dễ kích thích sự tò mò, hiếu kỳ của đám đông và dư luận, gây hiệu ứng và nhận thức sai lệch trong giới trẻ như vụ Lê Văn Luyện đã tạo hiệu ứng cổ súy trong giới trẻ. Đó là chưa kể trong nhiều trường hợp, xét xử lưu động đã gây áp lực không nhỏ cho bộ máy tố tụng tư pháp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm