Pháp lý vụ Cà Mau tiêu hủy 13 chú chó theo chủ về quê

Sáng nay, 10-10, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau, ban hành Công văn 4741, chỉ đạo cơ quan thẩm quyền kiểm tra làm rõ thông tin về việc người dân chở một đàn chó về quê Cà Mau.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh gia đình ông Phạm Minh Hùng chạy xe máy từ Long An về quê, mang theo một đàn chó với số lượng lớn trên xe máy để về lại quê nhà. 

Về đến Cà Mau, vợ chồng ông Hùng xét nghiệm và ra kết quả dương tính với COVID-19, được đưa vào bệnh viện điều trị, đàn chó không được đi theo. Đến ngày 9-10-2021, ông hay tin đàn chó 13 con và cả con mèo của vợ chồng người em đều đã bị trạm y tế xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau tiêu hủy.  

Đàn chó được gia đình anh Hùng mang về quê. Ảnh: Cắt từ clip.

"Có căn cứ pháp lý để tiêu hủy"

UBND huyện Trần Văn Thời xác định phải tiêu hủy đàn chó này bởi chủ nhân đã dương tính với COVID-19 và có một con qua xét nghiệm dương tính với một loại virus. Tuy nhiên, loại virus gì thì phía UBND huyện Trần Văn Thời chưa thông tin cụ thể.

Do dư luận và mạng xã hội đặc biệt quan tâm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND huyện Trần Văn Thời nhanh chóng làm rõ, có thông tin chính thức cho báo chí. 

"Cơ quan chức năng nếu cân nhắc nhiều giải pháp trong vụ việc trên hơn như lựa chọn về phun khử khuẩn đàn chó, test COVID-19 đàn chó, tiến hành cách ly nếu cần thiết thì có lẽ vụ việc tiêu hủy gây đau lòng sẽ không xảy ra".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo hướng dẫn tại Quyết định 4156 năm 2021 về chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế cảnh báo người mắc COVID-19 và người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi, cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình bởi có bằng chứng cho việc COVID-19 có thể lây sang vật nuôi.

Theo Bộ Y tế, các động vật từng được ghi nhận mắc COVID-19 bao gồm chó, mèo, chồn hương, một số loại thú trong khu bảo tồn như rái cá, linh trưởng.

Tại Điều 6 Nghị định 90/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh đã công bố và sản phẩm của chúng qua vùng có dịch bệnh động vật mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch.

Đồng thời, cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc giết mổ động vật và xử lý nhiệt sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm trên.

Còn tại điểm c khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020 xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế cũng quy định: Phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi như đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch. Nghị định 117/2020 cũng quy định buộc tiêu hủy các động vật có khả năng lây truyền dịch bệnh được đưa ra khỏi vùng dịch trái phép.

Qua các quy định trên, luật sư Hậu cho rằng cơ quan phòng, chống dịch tỉnh Cà Mau có cơ sở pháp lý để thực hiện tiêu hủy số chó được gia đình ông Hùng. Cần nhìn nhận, cơ quan chức năng đã thực hiện đúng các biện pháp cần thiết để hạn chế rủi ro lây truyền dịch bệnh cho gia đình ông Hùng và cộng đồng.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng nếu cân nhắc nhiều giải pháp trong vụ việc trên hơn như lựa chọn về phun khử khuẩn đàn chó, test COVID-19 đàn chó, tiến hành cách ly nếu cần thiết thì có lẽ vụ việc tiêu hủy gây đau lòng cho chủ của chúng và nhiều người khác sẽ không xảy ra.

LS Hậu cũng bày tỏ sự đồng cảm với gia đình ông Hùng, dù hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh phải về quê nhưng gia đình vẫn dành tình thương cho đàn chó như thành viên trong gia đình. Vì vậy, việc đàn chó bị tiêu hủy đã gây nên nhiều tổn thất về tinh thần cho gia đình ông Hùng cũng nhưng dễ gây bức xúc cho người dân khác, nhất là cộng đồng mạng biết về câu chuyện đàn chó.

“Dù vật bị tiêu hủy là động vật nhưng nếu có giải pháp tốt hơn dung hòa giữa tình và lý thì chúng ta nên xem xét kỹ, đừng áp dụng pháp luật quá khắt khe với người dân” - LS Hậu nêu quan điểm.

"Phải chứng minh và thực hiện đúng trình tự, thủ tục"
Theo TS Cao Vũ Minh, điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định hành vi “đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch” sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Hành vi vi phạm này sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc tiêu huỷ”.
Trong khi đó, ông Hùng bị dương tính với virus SARS-CoV-2, Long An là vùng có dịch thật, chó thuộc loại động vật.
Còn theo điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, Quyết định 173/2020 ngày 1-2-2020 và Quyết định 07/2020 ngày 26-2-2020 của Thủ tướng thì bệnh COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).
"Việt Nam không có công bố tình trạng khẩn cấp nên theo tôi, trong sự việc này, cần làm rõ hai vấn đề sau:
Thứ nhất, người có thẩm quyền có ra quyết định xử phạt hoặc quyết định buộc tiêu hủy đàn chó không, nếu không ra quyết định là sai.
Thứ hai, hiện chưa có tài liệu nào trên thế giới lẫn Việt Nam khẳng định chó, mèo là động vật có nguy cơ lây nhiễm. Chó mèo khác với dơi, tê tê - những con có mã gen giống COVID"- TS Cao Vũ Minh nhận định.
TS Cao Vũ Minh nói theo các báo cáo y tế tại Việt Nam thì không có tài liệu nào khẳng định chó mèo là trung gian truyền bệnh SARS-CoV-2.
"Người có thẩm quyền phải chứng minh được chó mèo là động vật có khả năng lây truyền bệnh. Nếu không chứng minh được thì không thể thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với ông Hùng. Khi đó, việc tiêu huỷ chó mèo là vội vã, gây tổn thất cho chủ sở hữu"- TS Minh nói.
Không cần tiêu hủy mà chỉ cần giám sát đàn chó
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì vật nuôi tiếp xúc với F0 trong trường hợp tại Cà Mau đủ điều kiện để được xem là “trung gian truyền bệnh”. Cụ thể ở đây là động vật mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Phòng Chống bệnh truyền nhiễm 2007, việc tiêu hủy động vật là trung gian truyền bệnh là một biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy khuẩn được áp dụng tại vùng có dịch.
Tuy nhiên, theo điểm g khoản 2 Điều 54 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, việc tiêu hủy động vật có nguy cơ làm lây bệnh sang người áp dụng khi quốc gia đã ban bố TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ DỊCH.
Hiện nay, mới chỉ trong tình trạng là “CÓ DỊCH” theo Quyết định 447/QĐ-TTg chứ chưa phải “TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP”. Vì vậy, việc Cà Mau tiêu huỷ đàn chó có thể chưa sát với quy định pháp luật. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 20 Luật Phòng Chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì có thể áp dụng biện pháp “giám sát trung gian truyền bệnh”.
TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới