13 giờ 30 hôm qua (4-11), chiếc xe chở ông Nguyễn Thanh Chấn, người vừa được trả tự do sau 10 năm chịu án chung thân về tội giết người, về tới thôn Me, xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang). Trước đó, rải rác trên khắp thôn cùng, ngõ hẻm của thôn, hàng trăm người dân thấp thỏm chờ đón người con của thôn mình trở về sau 10 năm oan trái.
Sự kiện chấn động
Từ trên xe, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) ngất lịm trên tay người thân, nước mắt vẫn chưa kịp khô trên mặt. Ông Chấn bước ra, lạ lẫm bước đi giữa dòng người, tiếng ông nghẹn đi bởi nước mắt: “Bà con ơi, tôi về rồi đây. Bà con ơi, tôi không biết ai đâu, tôi không nhớ ai đâu. Tôi không giết người, tôi về rồi đây…”.
Bên cạnh ông, người mẹ già nua, khắc khổ lẫm chẫm bước đi, nghẹn ngào gọi tên chồng, một người lính đã hy sinh vì đất nước: “Ông ơi, con ông về rồi, con ông không giết người!”. Bước đến cạnh bàn thờ, ông Chấn run run thắp những nén hương đầu tiên sau 10 năm thụ án, tiếng khấn của anh ừng ực nước mắt: “Nhờ có bố mà con không bị xử tử, còn sống được đến ngày nay để về thắp hương cho bố đây!…”.
Quả đúng nhờ có bố là liệt sĩ nên ông Chấn được hưởng tình tiết giảm nhẹ này và được xử án chung thân. Nếu không, có lẽ ông đã lãnh án tử hình và rất có thể ông đã không còn có cơ hội được minh oan.
Ông Nguyễn Thanh Chấn nghẹn ngào giữa vòng tay người thân, hàng xóm trong ngày trở về. Ảnh: V.THỊNH
Câu chuyện của 10 năm trước cứ mở ra trong ký ức của nhiều người. Anh Trần Văn Tiệp, người cùng thôn với ông Chấn, kể: “Ngày 15-8-2003, người ta phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan chết trong nhà. Ngay sau đó, anh Chấn được chính người nhà chị Hoan nhờ đánh xe ngựa đi chở quan tài về. Suốt những ngày tang, anh Chấn cũng tất bật lo toan cho người xấu số. Thế nhưng không hiểu sao, hơn một tháng sau thì anh ấy bị bắt. Công an bảo anh ấy giết người thì chúng tôi biết thế nhưng chúng tôi không tin”.
Có rất nhiều người dân thôn Me cũng không tin ông Chấn giết người. Nhưng rồi bản án tuyên xử ông Chấn chung thân của hai cấp tòa sau đó đã khiến ông Chấn, người thân và người dân thôn Me ngỡ ngàng. Vì vậy, việc ông Chấn được trả tự do và trở về làng hôm qua đã trở thành sự kiện chấn động không chỉ của địa phương này.
10 năm oan trái
Người dân thôn Me còn nhớ nửa tháng sau khi xảy ra án mạng, ông Chấn đột nhiên trở thành nghi can trong hồ sơ của công an. Ông nhiều lần được gọi lên làm việc. Tất cả lần đó ông đều khẳng định mình vô can. Tuy nhiên, sau đó ông vẫn bị khởi tố, bắt giam. Đặc biệt, trong hồ sơ vụ án xuất hiện bản nhận tội của ông Chấn thừa nhận hành vi cưỡng dâm và giết người của mình. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn không nhận tội và khai mình bị ép cung. Nhưng rồi ông vẫn bị TAND tỉnh Bắc Giang và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội khép tội với mức án chung thân.
ông Thân Ngọc Hoạt, người đồng hao cũng là người đã ròng rã suốt mấy năm qua cùng gia đình đi kêu oan cho ông Chấn kể, khi ông Chấn vẫn còn đang bị tạm giam để điều tra, ông là người thân đầu tiên được tiếp xúc. Lúc đó, ông đã tìm cách thử người em của mình để xem ông Chấn có phải là hung thủ thật sự không. “Tôi hỏi Chấn có giết người không, Chấn quỳ xuống khóc và nói anh cũng tin em làm việc ấy sao”.
Từ đó, ông Hoạt bắt đầu hành trình tìm chứng cứ minh oan cho ông Chấn. Tình tiết đầu tiên đến với ông Hoạt đó là khi anh nghe ông Thực, dân trong xóm, cho biết vào thời điểm chị Hoan bị giết (theo kết luận điều tra là từ 19 giờ đến 19 giờ 30) ông Chấn vẫn đang có mặt tại quán của mình và bấm điện thoại cho ông Thực gọi. Cùng với ông Thực, một số người khác xác nhận có thấy ông Chấn ở nhà vào thời điểm ấy như bà Nhâm, ông Quyền.
Để chứng minh điều này, ông Hoạt đã lên bưu điện huyện Việt Yên xin bản kê chi tiết cuộc gọi, trong đó thể hiện rõ: Cuộc gọi đi số 566075 của ông Thực ngày 15-8 gọi từ 19 giờ 19 phút đến 19 giờ 20 phút. “Chúng tôi đã đưa chứng cớ này ra, tuy nhiên không được tòa chấp thuận” - ông Hoạt nói. Thêm vào đó, theo ông Hoạt, dấu chân để lại ở hiện trường được cho là của hung thủ cũng không đúng kích cỡ với bàn chân của ông Chấn. “Tuy nhiên, không hiểu sao nó vẫn trở thành một trong những chứng cứ buộc tội ông Chấn” - ông Hoạt nói.
Trong 10 năm đằng đẵng, ông Hoạt không thể nhớ được mình đã soạn bao nhiêu lá thư kêu oan, bao nhiêu đơn từ và bao ngày lặn lội ngược xuôi để kêu oan cho ông Chấn. Và rồi, trời cao có mắt...
Trời không dung kẻ ác
Hành trình kêu oan của gia đình ông Chấn sẽ khó có lối ra nếu như Lý Nguyễn Chung, nghi phạm của vụ án không chính thức ra đầu thú vào tháng 10 vừa rồi. Tại cơ quan điều tra, Chung đã khai nhận quá trình gây án của mình. Theo đó, tối 15-8-2003 Chung đến nhà nạn nhân mua hàng thì thấy chị Hoan có tiền nên Chung đã dùng vũ lực cướp tài sản của nạn nhân. Do bị chống cự nên Chung dùng dao đâm chết nạn nhân rồi bỏ trốn cho đến khi ra đầu thú.
Đây là cơ sở để viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án. Đồng thời, viện này cũng có quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với ông Chấn. Từ đó, ông Chấn được trả tự do.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, công an viên xã Nghĩa Trung, người 10 năm trước đã trực tiếp bảo vệ hiện trường vụ án, cho biết nguồn cơn để Chung ra đầu thú một phần có thể do sự dằn vặt tội ác của bản thân, phần nữa do vợ chồng Chung trước đó có mâu thuẫn nên vợ Chung đã nói với bố đẻ của mình việc chồng là hung thủ giết chị Hoan. Từ đó, manh mối dần lộ diện, tạo ra áp lực khiến Chung phải đầu thú.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, người đã ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với ông Chấn,cho biết chánh án TAND Tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xét tái thẩm vụ án vào ngày mai, 6-11. Từ kết quả của phiên này mới có thể đưa ra các quyết định khác. Ông Thể khẳng định nếu quyết định tái thẩm minh định ông Chấn vô tội thì cơ quan tố tụng sẽ phải bồi thường oan và xin lỗi ông Chấn theo quy định pháp luật.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Tôi chưa từng nhận đơn kêu oan của ông Chấn Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm tù oan, chiều 4-11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND Tối cao nói sau khi kháng nghị tái thẩm bản án và miễn thi hành án hình sự cho người bị oan, việc quan trọng tiếp theo là phải có phiên tòa tái thẩm. “Theo tôi biết, chánh án TAND Tối cao đã triệu tập phiên tòa vào ngày 6-11 để xét lại vụ án này. Một việc cũng khá quan trọng là điều tra, làm rõ đối tượng phạm tội đích thực trong vụ việc này. Cái này cũng đã có triển vọng nhất định của nó. Thông tin cụ thể sáng 5-11 chúng tôi sẽ thông tin rõ ràng, đầy đủ trong cuộc họp báo tại VKSND Tối cao” - ông Bình nói Ông Bình cho rằng việc nói người nhà ông Chấn đã kêu oan và cung cấp thông tin về người phạm tội khác từ khi vụ án đưa ra và xét xử là không đúng. “Lúc đó người ta không thể có thông tin đích thực của vụ án này. Đương nhiên người ta bị oan thì người ta kêu cứu thôi chứ thông tin về thủ phạm thì lúc đó chưa có. Đến giờ tôi mới đọc lại nhiều đơn kêu oan của ông Chấn. Rất tiếc những lá đơn đó lại được gửi cho Văn phòng Chính phủ và đâu đó chứ không gửi cho tôi” - ông Bình cho hay. THÀNH VĂN ghi Bị can, bị cáo phải được hưởng quyền suy đoán vô tội Qua vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, tôi thấy nổi lên ba điều. Thứ nhất, khi phát hiện ra dấu hiệu phạm tội dẫn đến tạm giữ, tạm giam thì phải cho họ hưởng quyền suy đoán vô tội ở mức cao nhất, phải có biện pháp giám sát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng ép cung, bức cung hoặc dùng nhục hình. Đôi khi dùng nhục hình bằng cách dùng tù trị tù thì rất khó phát hiện. Nhiều người ở VKS cũng đề nghị khi hỏi cung, thẩm vấn thì phải có camera ghi lại để còn kiểm tra, giám sát sau này. Ngay cả trong trại giam cũng phải có giám sát chứ không sẽ dẫn đến bức cung trong lúc giam giữ. Thứ hai, là phải bảo đảm để luật sư sớm có mặt ngay từ giai đoạn điều tra, bảo đảm cho luật sư có quyền tư vấn. Ở các nước họ yêu cầu anh có quyền im lặng trước khi gặp luật sư. Nhưng ở ta hiện luật sư cũng không được tư vấn, chỉ được ngồi chứng kiến việc hỏi cung và khi nào được cơ quan điều tra cho phép mới được hỏi. Luật sư phải có quyền gặp bị can, bị cáo để tư vấn riêng. Thứ ba, việc hủy án và bồi thường cũng cần đánh giá lại. Nếu như điều tra mà làm oan sai thì VKS phải hủy bỏ, viện truy tố oan sai thì tòa án hủy bỏ, sơ thẩm xử oan sai thì phúc thẩm phải hủy bỏ. Phải coi đó là thành tựu của ngành tư pháp chúng ta. Trị là trị những oan sai do vô trách nhiệm, vô cảm hay có tiêu cực, tham nhũng. Trị thì cũng chỉ trị những cá nhân đó thôi chứ đừng gộp chung những việc hủy án, đình chỉ án là khuyết điểm. Vì như thế sẽ tạo nên xu hướng bằng mọi giá người ta sẽ không thừa nhận oan sai, có oan sai họ cũng sẽ che giấu để không ảnh hưởng đến thành tích của người ta. Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, đại biểu Quốc hội |
VIẾT THỊNH - TRÍ LÂM